Một Trăm Năm Nhà Thương Điên Biên Hòa
Nhà thương
điiên Biên Hòa được chính quyền Đông Dương cho khởi công xây dựng vào ngày 17
tháng 03 năm 1915, nằm trên địa bàn ấp
Bàu Hang, xã Bình Trước, Quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa ( theo đơn vị hành chính trước năm 1975
), cũng từng nổi trôi thăng trầm theo vận
nước, đã nhiều lần thay tên đổi họ, nào là Dưỡng Trí Viện Nam Kỳ, Dưỡng Trí
Đường Biên Hòa, Dưỡng Trí Viện BS Nguyễn Văn Hoài, BV Tâm Trí Biên Hòa, BV
Tâm Thân Biên Hòa, ... nhưng trong thâm tâm của người Biên Hòa thế hệ chúng tui
và trước chúng tui chỉ có một cái tên " Nhà Thương Điên Biên Hòa
". Có lẽ, người Biên Hòa có thói quen, thích gọi tên bình dân bình dị hơn
là cái tên chính quy chính thức, thấy sao thì gọi vậy. Như: cầu Hóa An gọi là
cầu Mới, cầu Tân Hiệp gọi là cầu Đúc, đường Phan Đình Phùng gọi là đường Dốc
Sỏi, rồi chùa Con Ngựa, hẽm Cây Keo, ngả ba Vườn Mít, vườn Cao Su ...
Nhân dịp 100
năm Nhà Thương Điên Biên Hòa ( NTĐBH ), là người Biên Hòa, nên tui muốn viết chút ít về NTĐBH bằng những gì mắt thấy tai nghe, bằng trải
nghiệm cuộc sống của chính mình, không dựa theo sử liệu, tài liệu nào hết. Có
thể nói, gia đình tui ít nhiều có duyên nợ với cái NTĐBH. Như bà nội tui kể: nhà ông cố của tui ngày xưa nằm cạnh bờ suối Săn Máu, gần quốc lộ 1A ( ngay
dãy phố Nhất của cư xá NTĐBH ngày nay) , vào năm 1922 ông cố tui phải nhượng lại
mảnh đất nầy cho NTĐBH để xây cư xá và dọn sâu vào trong làng Bàu Hang. Nhưng đến năm 1947
, vì không thể sống dưới hai làn tên mũi đạn, đêm thì được Việt Minh thăm viếng, ngày thì bị Tây khủng bố, nên nhà ông cố tui cùng với tất cả dân làng di tản ra xóm Miễu ( Phía trong hẽm Bách Lạc
, thuộc phường Thống Nhất bây giờ ) tạm cư đến thời đệ nhất cộng hòa, làng Bàu
Hang coi như bị xóa sổ, chỉ còn xót lại cái NTĐBH. Sau khi ông bà cố tui mất, nội tui dọn
vào cư xá NTĐBH ở và mở quán cơm, chuyên nấu cơm tháng cho những bịnh nhân nhà
giàu. Rồi đến năm 1956, sau khi được giải ngũ ba tui xin vào làm trong NTĐBH cho
tới lúc về hưu. Thế là, tự nhiên tui được sinh ra là lớn lên trong cái cư xá
NTĐBH, nào có được lựa chọn gì đâu, cho đến khi vừa đủ lông đủ cánh tui lại
bay đi. Giờ đây, đang ở một phương trời xa xôi lạnh lẽo, mà ghi lại những dòng
ký ức thuở con chim non còn sống trong cái tổ ấm.
NTĐBH có một
diện tích khá rộng lớn, dọc phía Đông giáp với quốc lộ 1A, có dòng suối Săn
Máu chảy qua, được kè đá xanh với 4 cây cầu bắt ngang, 2 cầu sắt và 2 cầu đúc. Phía hạ nguồn có đập chắn để làm hồ Piscine ( Tiếng Tây ngày xưa thường hay
dùng ), hai bên bờ có những bậc thềm đi xuống, cứ độ cuối tuần được ngăn nước
lại cho khách thập phương về nghỉ mát. Sau này, rừng trên thượng nguồn bị tàn
phá, gây ngập lụt và ô nhiễm, kè đá 2 bên bờ bị hư hỏng nặng, buộc phải phá
con đập chắn đi để thông nước khi mùa lũ và coi như vĩnh biệt cái hồ Piscine.
NTĐBH được
xây dựng như một công viên rộng lớn, theo hình bàn cờ, có nhiều cây xanh và thảm
cỏ mượt mà. Cả thảy 20 khoa điều trị,
mà trước năm 1975 được gọi là trại, được đặt tên theo số thứ tự, chẵn dành
cho Nam, lẽ dành cho Nữ. Ngoại lệ, không có trại 1 và 2 , được thay bằng trại
quan sát Nữ và Nam (Vào năm 1974 chuyển
sang khu quân y,đổi tên thành trại Phượng và trại Dũng, mang tên 2 đứa con của
cố bác sĩ giám đốc Tô Dương Hiệp ) ; không có trại 15 , được thay bằng trại Nhi
Đồng; không có trại 17 và 18 , được thay bằng Nông Trại Nữ và Nông Trại Nam.
Đa phần các trại có hàng rào dăm bụt, mương thoát nước và lề cỏ may bao bọc.
Đặc biệt trại 13 và trại 16 , được xây kiên cố như nhà tù, 1 lầu, 1 trệt,
bên ngoài có tường cao giăng kẽm gai bên trên, cổng vào chật hẹp kín bít, bên trong trại có nhiều hàng rào song sắt. Nơi đây
giam cầm bịnh án, những bịnh nhân đã từng giết người, hoặc dự tính giết người. Ngày xưa, những ai giả điên trốn lính, đưa vào đây đảm bảo hết điên ngay.Trại 12 xây theo kiểu nhà tiền chế, mái vòm, giống như trại lính.Trại Nhi Đồng thì rộng rãi hơn những trại khác, có sân chơi, có cầu tuột,
xích đu, bàn quay , ... Thủơ nhỏ, bọn tui thỉnh thoảng vào chơi ké Ghét nhất, bịnh nhân nhi đồng thường hay khóc nhè. Nông Trại Nam và Nông Trại Nữ ( Nay gọi
là khoa phục hồi chức năng ) bao gồm nhiều căn nhà nhỏ lẻ, nằm rời rạc, xung
quanh có vườn tược. Bịnh nhân ở đây được tự do đi lại, hằng ngày ra đồng trồng
trọt và vui thú điền viên. Trại 5 , trại 6 dành cho bịnh nhân nhà giàu hay người
nước ngoài, ở đây trông rất tươm tất và sạch sẽ. Trại 20 là trại bịnh lao, vì
sợ bị lây nhiễm tui chưa hề lui tới. Nói chung, từ trại 3 cho tới trại 10 có kiểu
kiến trúc giống nhau, những trại còn lại được xây cất theo đặc thù của từng bịnh
trạng.
Ngoài những
khoa điều trị, còn có khoa xét nghiệm, khoa dược, nhà bếp, ban công xa, thủ
môn, ... Đặc biệt, khu hoạt động liệu pháp, được xây bởi những dãy nhà dài tạo
thành hình chữ U khép kín. Giữa sân có một cái đền nhỏ, trống quắc không vách, với 4 chân cột hình rồng phụng,
4 mái ngói nghiêng tựa như mái chùa, nền
cao có thềm đi lên từ bốn phía.Trước đền là một hồ sen nhỏ, giữa hồ là tượng
đài phật bà Quan Âm, nơi mà những bà chị trong xóm thường ra cầu xin trước mùa thi cử. Trước dãy nhà nằm
ngang là một sân khấu, dùng để tổ chức văn nghệ vào dịp lễ lạc. Trong khu nầy
có nhiều xưởng thủ công, như: họa, điêu khắc, may, dệt, thêu, đan, mộc, ... những bịnh nhân có năng khiếu hoặc tay nghề được sinh hoạt ở đây với sự
dìu dắt của nhân viên BV. Biết bao tác phẩm nghệ thuật được những người bịnh
tâm thần gởi gắm, thêu dệt, khắc họa bằng cả tâm hồn đầy tỉnh táo của mình ở
trong đó, không thua kém gì nghệ nhân chuyên nghiệp.
Sâu phía
trong là trại chăn nuôi, có 2 dãy chuồng trại, nuôi heo, gà, vịt và một đàn
bò. Bên ngoài là đồng ruộng rộng khoảng 3 Hecta, trồng lúa, rau muống, khoai
mì, khoai lang và rau cải các loại... .Những bịnh nhân đồng án hằng ngày đến
đây làm việc với sự hướng dẫn của một kỹ sư nông nghiệp người Mỹ.
Mặt tiền bên
phải NTĐBH là khu cư xá, bao gồm 7 dãy nhà, mỗi dãy 10 căn hộ, được chia làm
2 hàng, 5 dãy phố và 2 dãy phố. Ngoài ra, còn có 2 nhà tiền chế ( Nhà mái
vòm cong ) dành cho người độc thân, được lính Mỹ xây vào khoảng năm 1971.
Phía trước
cư xá, bên kia bờ suôi Săn Máu là trường tiểu học cộng đồng Dưỡng Trí Viện,
có 5 phòng học và có 10 lớp được ra 2 buổi sáng chiều.
Trong cùng là một nghĩa trang mênh mông, có 1 nhà xác,
2 nhà tang lễ dành cho Phật giáo và thiên chúa giáo, giữa 2 nhà tang lễ là một
tượng đài xây bằng gạch. Phần bên phải
nghĩa trang một dãy dài nằm cạnh đường tiếp giáp với sở Cải dành cho công nhân
viên chức, phần còn lại là mồ mả bịnh nhân được chôn dày khít, đến độ muốn đi
qua phải bước lên trên mộ. Vậy mà, đến những năm 80 đã không còn chỗ trống nữa. Tận cùng của NTĐBH cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của những bịnh nhân không còn
người thân nữa, cùng với nhiều công nhân viên chức, trong đó, có cả Ngài cố
BS giám đốc Nguyễn Văn Hoài, nguyện cùng sống, cùng chết với người điên.
Thi thoảng,
xem những vở hài kịch, người ta ví Biên Hòa là nhà thương điên, tui không thể
nào cười nổi, vì nó quá lạt phèo, lạt nhách, cứ pha đi chế lại cũng mấy chữ
NTĐBH. Không biết từ bao giờ? Tác giả nào? Soạn giả nào? nhà biên kịch nào
là người đầu tiên đã đồng hóa nghĩa Biên
Hòa với Nhà Thương Điên trong tác phẩm của mình? Để đến tận ngày nay vẫn còn nhiều người bắt chước. Cũng một phần, do cái tên của bệnh viện trước đây thường
gắn liền với cái chữ Biên Hòa. Chắc chính vì vậy, mà gần đây mấy Ngài ở bộ y tế đã
quyết định đổi tên thành BV Tâm Thần Trung Ương 2 và cái chữ Biên Hòa không còn
hiện diện nữa.
Xin mượn 2
câu thơ của anh Phạm Hoài Nhân để tạm kết thúc phần nầy.
Chưa đi chưa biết Biên Hòa.
Đi rồi mới biết có Nhà Thương Điên.
Còn tiếp.
Rất nhiều thông tin và cảm xúc.
Trả lờiXóa