Nhà Thương
Điên Biên Hòa
Tết
Mậu Thân
Nhân dịp 100 năm Nhà Thương Điên Biên Hòa (
NTĐBH ) không thể nào thiếu đi cái sự kiện
lịch sử " Tết Mậu Thân". Tuy gọi là Tết nhưng không giống Tết. Thứ nhất: Lúc bấy giờ tui chỉ mới 3 tuổi rưỡi, chưa có ý niệm gì về Tết, về ngày tháng; Thứ nhì: Không có tiếng pháo giao
thừa, không có quần áo mới, không có bao lì xì và cũng không có những lời
chúc tốt lành nhân dịp năm mới. Thế mà, những ngày tháng đó, những hình ảnh đó
vẫn còn hiển hiện rõ trong ký ức của tui, được ắp ủ một cách kỹ lưỡng như một
kỷ niệm đẹp, như một phần quan trọng của cuộc đời mình. Nhiều lúc, tui không
tin rằng mình có thể nhớ được một cách rõ ràng như vậy, nhưng qua chuyến về Việt
Nam thăm gia đình vừa rồi, thông qua ba của tui và những người chị của tui đều
xác nhận: Trí nhớ của tui còn tương đối tốt, chưa quá lu mờ bởi bụi thời gian
hơn 47 năm. Giờ đây tui không còn ngần
ngại nữa, ghi lại những gì mình đã nghe và đã thấy tận mắt, để chia sẻ với những ai
còn hoài niệm về cái tên NTĐBH thuở xa xưa.
Vào một buổi trưa, nắng không gắt
mấy, mùng mấy Tết tui không biết, nhưng chắc chắn là sau ngày Tổng Nổi Dậy,
một người cô họ ( Tui gọi là cô Hai ) dắt theo người em họ bằng tuổi tui, từ
trong làng Bàu Hang sâu phía sau NTĐBH hối hả chạy vào nhà tui với bộ quần áo lem luốc, mặt mũi thì lấm nhiều lọ đen, được ba má tui tiếp đón phía sau nhà bếp (Lúc
bấy giờ nhà tui ở căn thứ 9, dãy thứ 3 của cư xá). Trong lúc má tui rót nước mời
cô Hai uống để lấy lại bình tĩnh, không chần chừ gì hết, cô kể ngay những gì
vừa xảy ra đối với gia đình cô trong mấy ngày qua. Tui chỉ nhớ, cô Hai nói: Đêm qua
mấy Ổng về đông lắm, rồi đào hào, đào hầm, lập công sự xung quanh nhà, kéo
dây điện truyền tin, ... Và vào khoảng giữa đêm thì trận chiến mới bắt đầu
nổ ra. Tới đoạn gây cấn nhất, nói về cái chết của cô em họ ( Tuổi
Thân , 12 tuổi ) thì tui và thằng em họ bị đuổi ra ngoài sau nhà chơi. Phần
thì do tính hiếu kỳ, hay tò mò, phần thì không có hứng thú chơi với thằng em họ mặt mũi lấm đầy vết lọ nghẹ, nên tui
bèn đứng nép gần cánh cửa để nghe lén, xem có gì mà chúng tui không được biết. Thoạt tiên, tui chỉ nghe tiếng khóc lóc của cô Hai và lời trấn an của ba má
tui, sau đó cô Hai vừa sụt sùi nước mắt nước mũi kể: Mấy Ổng ( tên gọi tránh
né mà cô Hai dùng ) bị máy bay trực thăng truy đuổi và bí đường chạy vào nhà cô, những làn đạn Rốc-Kết bắn theo vô tình đã trúng mỗi mình cô em họ, bị thương
nặng, ra máu rất nhiều, không được cứu chữa băng bó cho đến khi chết, trong
khi cả gia đình cô Hai đang núp dưới hầm và chứng kiến cảnh thê lương của người
thân mình. Nghe tới đây, tui mới thật sự giựt mình biết, là đang có chiến tranh trong
làng Bàu Hang, mặc dù lúc nào cũng nghe tiếng máy bay trực thăng tành tạch quần
thảo trên bầu trời, tiếng súng đạn cắc cắc bùm bùm liên hồi, tui tưởng như
trong phim Combat của Mỹ (lúc nhỏ, bọn tui rất thích coi ). Không một chút sợ
hãi tui chạy ù ra sau hè cùng với những người lớn khác, để nhìn về hướng
làng Bàu Hang xa xa, cách cư xá NTĐBH khoảng 1 cây số. Thời bấy giờ, giữa cư
xá và làng Bàu Hang là một cánh đồng trống lốc, vào mùa nắng đồng khô, cỏ
cháy, lưa thưa một vài bụi tre, không có nhà cửa gì hết, nên chúng tui có thể
quan sát như trên màn ảnh thật, những chiếc trực thăng săn đuổi, lùng bắn mấy Ổng
bằng Rốc-Kết, bằng súng đại liên. Đa phần mấy Ổng ẩn náo trong nhà dân, số
ít chạy xuống suối Bàu ( Là suối đổ ra
suối Săn Máu ).Mỗi khi chiếc trực thăng đến gần bụi tre, thì lập tức bụi tre
ngã rập sát mặt đất. Coi như bụi tre, bờ suối không còn là chỗ ẩn náo lý tưởng
nữa, chỉ còn nhà dân hay người dân là nơi an toàn nhất.
Đang như được
xem phim, bất chợt tui bị ba tui túm cổ lôi về sau sân nhà chơi. Nhưng mà có
cái gì để chơi, ngoài mấy miếng ngói trúng đạn bị bể rơi từ trên mái nhà xuống, tui dùng nó vẽ trên mặt đất hình ảnh cuộc chiến đang xảy ra cách đó không xa, chiếc máy bay trực thăng với súng đại liên trên bầu trời và một vài người ôm súng chạy trên đồng ruộng.
Không lâu
sau, bổng nhiên lại có tiếng loa phóng thanh từ trong NTĐBH " Hỡi đồng
bào! Hãy rời khỏi vùng tuyên chiến! "và được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Liền sau đó cả nhà tui đi di tản về hướng nhà bếp của NTĐBH, đến trại 6 gặp mấy
ông lính Mỹ tay cầm súng, vai mang đạn chặn lại, không cho gia đình tui đi qua và
nói mấy câu tiếng Mỹ xì xồ xì xào, không ai hiểu. May mà , có dượng Hai Mừng ( Kỹ sư du học Mỹ về) xuất
hiện và dịch lại rằng: Lời kêu gọi di tản về hướng nhà bếp là dành cho dân
làng Bàu Hang từ phía trong đi ra, rồi từ nhà bếp tiếp tục đi và tập trung trước
văn phòng NTĐBH.Gia đình tui
đành phải quay về nhà.Về tới nơi, thì thấy chiếc xe Lamb trần của ông cậu Năm đã chờ
sẳn và chở cả nhà tui lên thủ môn ( Tức cổng bảo vệ ) của NTĐBH. Nơi đây tui
được chứng kiến cái cảnh tập trung đông người, từ ngoài cổng cho tới cái cầu sắt, bắt ngang qua khoa dược, kéo dài đến biệt thự bác sỹ giám đốc, đâu đâu cũng
có người dân trải chiếu, giăng lều, nấu nướng, ăn uống, đúng là cảnh màn trời
chiếu đất. Vì là lần đầu tiên trong đời nhìn thấy cảnh đông người, nên tui có
một cảm giác là lạ, như buồn vui lẫn lộn.
Rồi đột
nhiên trời tối sầm xuống, như thời gian đi qua rất nhanh, hay là trí nhớ tui bị
gián đoạn, tui phải đi ngủ, tui xin ba tui được ngủ bên ngoài vọng gác của
nhà thủ môn. Lúc bấy giờ, nhà thủ môn nằm phía trong, bên trái cổng bệnh viện, có thể kiểm soát người ra vào bệnh viện, cũng như ra vào cư xá ( Cư xá chưa
có lối đi riêng , đi chung cổng với bệnh viện ) Vọng gác thì trống quắc, có
hai bờ tường cao độ 1 mét bọc hai bên, ba tui dựng chiếc ghế bố, giăng mùng
và đốt một cây đèn cầy để lên trên bờ tường phía ngoài cho tui ngủ. Nằm trên
chiếc ghế bố, mà lòng tui phấn chấn, rạo rực một niềm vui thích, có lẽ hiếm khi
được sinh hoạt cái kiểu bất thường như vầy. Từ vọng gác nhìn ra, trên nền trời
rực sáng những quả châu với những sợi khói trắng quằn quèo tan dần trong gió,
tiếng máy bay trực thăng vẫn tành tạch đều đều trên bầu trời và thi thoảng xen
lẫn tiếng nổ bùm bụp của quả châu, như tiếng mẹ ru đứa trẻ chưa đầy 4 tuổi, hồn nhiên, không
biết sợ chiến tranh, thiu thiu chìm sâu dần vào trong giấc ngủ.
Trong khi cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt,
cách đó chỉ hơn 1 cây số đường chim bay, bom lửa đã đốt cháy lụi làng Bàu Hang, tất cả người dân còn kẹt lại đều bị chết hết. Coi như, làng Bàu Hang bị xóa
sổ lần 2, NTĐBH phải cưu mang những người dân màn trời chiếu đất. Sau tết Mậu
Thân, vành đai phi trường Biên Hòa được nới rộng ra, làng Bàu Hang phải di dời
ra sát phía sau NTĐBH, chính quyền cung cấp cho người dân gỗ, ván ép và tôn lạnh
để cất lại nhà mới. Phần mình, NTĐBH phải xén sâu vào đất của mình khoảng 5 mét dọc
theo bìa ranh, để làm con đường mới dẫn ra quốc lộ 1A cho làng Bàu Hang mới.
Sau cuộc chiến, không rõ mùng mấy Tết, tui theo một người chị đi xem khai quật nhà người cô
họ, để tìm xác cô em họ. Lúc đào bới người ta không cho tới gần, tui phải đứng ở cái gò mả cách đó khoảng 50 thước và có
nghe người chị kể lại: Chỉ còn có 2 hàm răng và lấp lại làm mồ tại chỗ. Hôm đó
cũng là ngày thu dọn chiến trường, tui chỉ được đứng từ xa coi, không nhìn thấy
gì hết, chỉ thấy xe công binh củi đất, đào đất để chôn người chết vô thừa nhận
cùng với xác xúc vật. Sau năm 1975 tui có nghe, những xác chết vô thừa nhận
đã được bốc lên và đem đi mất ngay trong đêm đó.
Hai lần làng
Bàu Hang bị xóa sổ, NTĐBH không hề hấn gì, mà còn cưu mang, che chở người
dân trong cuộc chiến. Trò chơi chiến tranh không ai muốn, vì chiến tranh luôn
gieo rắc đau thương, chết chóc.Thế hệ chúng tui, không may, sinh ra trong
thời chiến, lớn lên trong thời chiến, phải sống với chiến tranh, việc xem
chiến tranh như trò chơi ở tuổi niên thiếu là điều có thể thông cảm được. Mong rằng đất
nước Việt Nam không còn xảy chiến tranh nữa, cho dù là cuộc chiến chính nghĩa, để NTĐBH luôn là của người điên, chứ không giành cho người tỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét