Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016





Gần đây , cộng đồng mạng rộn ràng nhiều về " 60 năm trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa " . Có lẽ , do tính tò mò , tui la cà trên Internet tìm đọc những bài viết về mái trường nầy , tình cờ bắt gặp bài " Lịch sử 60 năm trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa " , do anh Lê Thành Tươi ( Hiện sống ở Mỹ ) biên soạn , là người anh tui từng mến nể , ở cùng dãy phố cách nhà tui hai căn trong cư xá Điên ,thoi thúc tui phải làm một cái gì đó để chứng tỏ ít ra mình cũng là một cựu học sinh của trường , để lôi kéo bạn bè cũ trở về cái mái trường xa xưa ,với những mái ngói rêu phong, những bức tường đen ố , cây phượng già rũ rượi , cái cổng trường cũ kỹ đã phai màu vì đã trải qua bao mùa mưa nắng . Trở lại trang Facebook của lớp 10C4 niên khóa 1979-1982, nơi mà tui là một thành viên trong đó , vẫn êm đềm vắng tanh vắng teo , không một dấu vết gì của mái trường yêu dấu. Là một cựu học sinh trường Ngô Quyền ba năm ( Nếu tính luôn những ngày bỏ học đi uống cà phê ) , tui không biết viết gì đây khi nhìn lại mình chẳng có gì đặc sắc , học hành cũng không phải loại dở nhứt , trốn học dạng bình thường , quậy phá thuộc hàng tệ. Về những công lao tạo dựng , những thành tích vẻ vang cũng như bao biến đổi thăng trầm của thời cuộc , thì đã có nhiều người viết , thậm chí vừa hay vừa chuẩn xác.Thôi thì , ghi lại vài kỷ niệm nho nhỏ của riêng mình.

Phải nói , trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa là ước mơ lớn của tui ngay còn ở bậc tiểu học , tui muốn thay cái quần ngắn bằng cái quần dài màu xanh thấm , cũng như những bạn nữ từ cái áo Sơ-mi đổi thành chiếc áo dài trắng thướt tha và được đi học bằng chiếc xe Lamb tành tạch hơn là lết bộ trăm mét đến trường. Mùa tuyển sinh năm 1974 , chị kế của tui và thằng em họ ( À quên , còn một cô em họ nữa ) thi đậu vào Ngô Quyền , mang lại niềm vinh hạnh rất lớn cho gia đình tui , thoi thúc tui phải cố gắng nhiều hơn . Phần thưởng treo phía trước là một chiếc xe đạp và cái đồng hồ Seiko , nhưng tui lại không màn cái lớn , chỉ ước ao cái phù hiệu nho nhỏ thêu tên Ngô Quyền.
Thế nhưng , sự cố năm 75 xảy ra , mùa tuyển sinh Ngô Quyền 1974 là mùa tuyển sinh cuối cùng . Tui bị thất vọng tràn trề , tui bị buộc phải học trường trung học Bình Phong ( Sau nầy là Tân Phong ) heo hóc. Buồn thay, tui lại là người duy nhất trong gia đình học ở cái trường nầy.
Sau năm 1975 , hệ thống trường lớp được phân chia lại , tiểu học thành cấp 1 , trung học thành cấp 2 và 3 . Những cựu học sinh rất đỗi tự hào mới hôm qua , nay phải chịu ngồi chung lớp chung trường với những bạn trường tư thục . Cái tên, cái tiếng Ngô Quyền bị lu mờ dần , bản thân tui cũng chẳng còn tha thiết mấy với cái trường ấy nữa. Bốn năm sau , thi lên cấp 3 vào trường Ngô Quyền , tui không hề nổ lực phấn đấu gì hết mà vẫn trót lọt một cách dễ dàng , tui không vui và chẳng mừng , có chăng , vì niên khóa nầy có 8 thí sinh trong cư xá Điên , tất cả đều thi đậu.
Trước khi bắt đầu cuộc tuyển thi , tất cả thí sinh tập trung ở sân trường , được thầy hiệu trường hướng dẫn những quy định cũng như cách thức thi cử. Rồi sau đó , thầy bước xuống tìm chọn 2 thí sinh , 1 nam , 1 nữ để kiểm tra bộ đề thi từ bộ giáo dục gởi vào. Trong hàng ngàn thí sinh , như trúng số độc đắc , tui được thầy túm lên lễ đài. Niềm vinh dự không thấy đâu , tay cầm bộ đề thi đóng đầy con dấu đỏ choét , tui run cầm cập , tai như điếc , mắt như mù , hồn vía lên mây , bên tai khe khẽ tiếng thầy Tý nhắc từng câu từng chữ và cứ thế miệng tui nghèn nghẹn mà lặp lại: Em là thí sinh Lê Quang Trường , nhìn phong bì bộ đề thi không có gì khả nghi.
Ngày tựu trường , hàng ngàn học sinh cũ mới chật kín sân trường. Những thủ tục không bao giờ thiếu : chào cờ , giới thiệu niên khóa mới , phân chia lớp và bài diễn văn lê thê của thầy hiệu trưởng làm lắng chìm sự háo hức của đám tân sinh. Để thay đổi bầu không khí , lớp đàn anh chị góp phần văn nghệ nho nhỏ bằng những tiết mục vui nhộn. Mở đầu , một chị to cao , mạnh dạng , nhanh nhảu bước lên sân khấu , tự giới thiệu và tự trình diễn . Quá ra ,là bà chị kế của mình , làm tui cảm thấy thẹn thẹn mắc cỡ , co cụm lại , không dám nhìn lên sân khấu xem chị mình ca. Rồi bất chợt có tiếng gọi " Trường " từ phía sau làm tui giựt mình , phản ứng nhanh chóng tui quay mặt lại , dùng ngón tay trỏ đưa trước miệng , như báo hiệu cho thằng bạn duy nhứt trong lớp biết chị mình , là: " không được nói". Nhưng không ngờ , đó là bản nhạc cuối cùng mà tui được nghe chị mình hát trên sân khấu.
THẰNG EM HỌ
Chưn ướt , chưn ráo tui bước vào trường Ngô Quyền , chưa kịp định hình gì hết trong việc học tập , gặp thằng em họ học trên một lớp suốt ngày quyến rũ , sau khi hắn quậy tưng bừng niên học trước. Gặp tui , hắn như bắt gặp được đồng minh " chiến lược ". Hắn chỉ lớn hơn tui 1 tuổi , nhưng được trời phú to con , đen đúa , trông rất già dặn. Vì yêu đương lăng nhăng ở Long Khánh, hắn bị ông bà ngoại tống cổ về Biên Hòa và nhập học vào trường Ngô Quyền . Không được yêu , hắn chán học , phá phách không cho ai học hết . Hắn học rất giỏi , có tài lý lẽ , lý sự . Hắn dùng cái tài nầy để phá phách , để ghẹo chọc thầy cô giáo. Đặc biệt những giờ học do cô giáo đảm nhiệm , hắn giơ tay phát biểu liên tục và đặt nhiều câu hỏi hóc búa trong lề có ngoài lề có. Nếu không trả lời được hoặc tránh né , thì hắn trách cứ , hắn vặn vẹo , làm nhiều cô giáo đỏ mặt và thậm chí rơi nước mắt.Có lần, trong giờ sinh vật , hắn hỏi cô giáo : Tại sao những chỗ kín của con người có lông ? Cô không trả lời được hoặc ngượng ngùng , hắn được đà tiếp tục tấn công , làm cô giáo phải khóc và bỏ dở tiết học. Nhà trường không có lý cớ gì để đuổi hắn , nhưng vẫn phải chiếu cố cho hắn , vì mẹ hắn cũng là cô giáo , người trong ngành. Biện pháp cuối cùng để trị thằng quậy , là bà thím của tui hằng ngày mỗi buổi sáng dự thích ở trường Ngô Quyền , chiều về đi dạy ở trường Dục Đức ròng rã mấy tháng trời đến lúc hắn không còn quậy nữa.
Quậy lớp chán , hắn chuyển hướng sang tui. Hắn thường rủ tui bỏ học đi uống cà phê nghe nhạc , hắn thích nghe nhạc cổ điển , thích nghe Guitar classic , đặc biệt những bản nhạc của Trịnh Công Sơn do Đỗ Đình Phương biên soạn. Hắn mê đọc sách , say học đờn .Mặc dù tiếng đờn của hắn rất điêu luyện , nhưng lại thiếu chất "hồn" , nên khó mà thuyết phục được tui bỏ học đi uống cà phê nghe nhạc. Không lôi kéo được tui , hắn chơi trò triệt buộc , thỉnh thoảng hắn đến lớp tui , khép nép đứng trước cửa trông vẻ ngoan hiền , đồng thời dò xét xem thầy cô nào, có biết hắn không , rồi gọi thầy/cô đang dạy ra ,rồi khoanh tay lễ phép thưa : Thầy/cô ! Nhà em Lê Quang Trường có chuyện , em ấy phải về gấp. Giọng nói lễ độ mang vẻ trang nghiêm của hắn thầy cô nào mà không tin sái cổ. Vừa bước ra khỏi trường , hắn hạ miệng thấp xuống ngang tai tui và khẽ nói: Buồn quá , đi uống cà phê với tao ! Hết chiêu nầy đến trò khác hắn dùng tới dùng lui nhằm để có người bạn cà phê bất đắc dĩ. Hắn không muốn học nữa , chú thím tui giải quyết cho hắn đi xuất ngoại bằng vàng , đôi ba lần cũng đều thất bại. Cuối cùng , có lẽ chán đời quá , hắn tình nguyện đi lính khi tuổi mới 17.
BUỔI TRỰC ĐÊM
Ở tuổi choai choai ham chơi hơn là ham học , được nhà trường phân công nam sinh lớp 10C4 trực tối nay làm háo hức cái đám ham vui vì được một đêm tự do tha hồ quậy phá. Trời vừa chạng vạng tối , đã có vài bạn đến , đạp xe đáo đi đảo lại vòng quanh sân trường , từ ngoài cổng cho đến phía sau khu nhà tập thể của giáo viên. Vì thường ngày, phải gửi xe đạp từ ngay cổng trường , hiếm khi được thoải mái chạy xe vào trường.
Khoảng 7 giờ tối , tất cả các bạn đến đông đủ ( khoảng 15 bạn ) , riêng bạn Văn có đến như lại bỏ về. Chúng tui chọn ngay cho mình một chỗ cố thủ an toàn , ở góc cuối hành lang lầu 1 , dãy nhà nhìn thẳng ra cổng trường , có đèn chiếu sáng. Tất cả mền mùng chiếu gối , xe đạp đều thượng hết lên lầu. Thoạt tiên , chúng tui tụm ba tụm bảy để trò chuyện , đùa giỡn. Khi đêm xuống , nhiệt độ giảm dần làm cho mái tôn phía sau dãy nhà hội trường co rút lại , tạo thành những tiếng kêu răng rắc , giống như có người đi trên mái nhà. Nhưng những người bạn của tui cứ đoán mò: nào là trộm , nào là ma. Bàn đi tính lại không xong , bạn Thanh Vân bảo : Lỡ có trộm ăn cắp hết giàn nhạc trong hội trường thì sao? Thế là , bạn Thanh Vân cầm đầu đám thanh niên nhác cấy đi bắt trộm. Phía sau sân trường tối thui tối hòm, tiếng kêu răng rắc của mái tôn càng về khuya càng rùng rợn hơn, không bạn nào dám bước chân vào sân trường , nên bạn Thanh Vân hè nhau : một , hai , ba ... đồng loạt xông vào ! Nhưng rồi cũng chỉ một mình Thanh Vân , quay lại thấy một đám thỏ đế đùn đẩy nhau , có thằng còn bỏ chạy ra ngoài. Có thể , tay không một tấc sắt , nên ai nấy đều nhác , thành thử bạn Thanh Vân đề nghị : Ra ngoài , mỗi thằng tìm 2 cục gạch hay cục đá . Nhưng với 2 cục đá xanh trên tay cũng chẳng khác gì , chẳng ma nào dám mon men bước vào sân trường tối đen như mực ngoài bạn Thanh Vân . Cực chẳng đặng , cả đám đồng loạt ném đá về phía dãy nhà hội trường , vang rềnh lên tiếng " bầm bầm bầm bầm... " , rồi tranh nhau co giò chạy mau ra phía trước. Sau khi ném đá sướng đôi bàn tay, có bạn chợt nghĩ : Lỡ có ai trong đó thì sao ? Có thể thầy hiệu trưởng không chừng ? Lại có bạn nghi ngờ là ma , lên cố thủ trên góc hành lang. Lúc nầy , ngoài đường vắng teo , không còn xe cộ qua lại nữa , bạn Thanh Vân buồn chán , rủ nhau đi phá thầy hiệu trưởng. Cũng cái kiểu hè nhau , chụm hai bàn tay trước miệng , quay về hướng nhà thầy hiệu trưởng : Một , hai , ba ..." Tý chuột " . Quay qua , quảnh lại chỉ mình bạn Thanh Van hô to , cái đám còn lại chỉ rí rí trong miệng . Sợ ma , sợ trộm đã đành , rồi sợ thầy hiệu trưởng tuốt luốt luôn.
Đã quá nửa đêm , trời thì oi bức khó ngủ , không còn trò gì để giễu cợt để nghịch phá , tất cả lên trên góc hành lang , giăng mùng , chải chiếu , để chuẩn bị cho cái giấc ngủ bụi đợi. Bầu không khí lắng chìm hẳn , nằm trong mùng bạn Thanh Vân vu vơ hát những bản nhạc trầm buồn , không như mọi khi bạn thường hát nhạc sôi động. Tiếng hát vu vương đã đưa đám trai tráng ở tuổi ăn mau ngủ khỏe chìm sâu vào trong giấc mộng. Đang ngon giấc , bất thình lình bạn Thanh Vân đánh thức mọi người dậy , hô toáng lên : Mất xe đạp rồi. Ai nấy còn say ke , chưa ất giác gì , một hồi lâu rồi mới bừng tỉnh. Đã 37 năm rồi , câu nghi vấn vẫn còn bỏ ngỏ: Kẻ nào cả gan bước qua 15 cái xác chết để ăn cắp chiếc xe đạp Course ? Những chiếc xe đạp được dựng san sát nhau , một đóng rối nùi ở cuối hành lang , mùng mền chiếu gối giăng kín lối vào . Kẻ trộm biết bay hay leo tường chăng? Có dịp cho những nhóc hình sự tha hồ đoán mò mà chẳng bao giờ có kết luận . Vụ án đầy bí ẩn nầy vô tình tô điểm thêm cái vẻ đẹp của thời học sinh .Giờ đây , bên kia bờ đại dương , nếu bạn Thanh Vân có ngẫm lại , sẽ thấy: cái giá trị chiếc xe đạp Course rất xứng đáng cho cái kỷ niệm êm đềm của tuổi học trò.
BUỔI HỌC CUỐI CÙNG
Nói là buổi học cuối cùng , nhưng không hề có học hành gì hết , đến trường để chơi , để chia tay với bạn bè và thầy cô giáo. Sau khi chia tay , chúc tụng nồng thấm , một số bạn không nỡ , không chấp nhận một cuộc chia tay vội vã và ngắn ngủi , nên rủ nhau chiều đến trường gặp nhau một lần nữa. Chúng tui hẹn nhau ở phòng học của lớp , nơi mà hẳn còn vết mòn trên những băng ghế bởi những cái đũng đủ màu xanh đỏ, nơi mà những giờ học mệt nhoài căng thẳng ,nơi mà những giờ chơi rộn ràng đầy tiếng cười vui giễu cợt. Dẫu biết trước cuộc chia tay nào cũng buồn , nhưng sao nỗi tiếc nuối cứ  dâng trào , như bứt xa chúng tui ra khỏi cái tuổi học trò.Rồi bỗng nhiên giọng hát thánh thót của chị Xuân Lan ngân lên hòa lẫn với tiếng đàn man mác , như báo hiệu " Giây phút chia tay từ đây " , như lời ca trong bài " Buổi học cuối cùng " , như tiếng ve ngân nga trên cành phượng vĩ ngoài cổng trường " xa dần , xa dần , ...và xa dần".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét