Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016



                                                Chú Tui 

              Lại thêm một cái 30 tháng Tư, cứ đến ngày nầy gợi cho tui bao nỗi niềm khó tả, chưa kịp biết phải viết gì đây, thì nhận được hung tin người chú ruột vừa qua đời tại chùa Quang Long phường Tân Phong thành phố Biên Hòa, người chú mà tui được sống gần gũi nhất vào những năm sau 30.04.75.
            Không biết có phải " duyên số " hay không? Chị Hai tui là trưởng nữ, đã phải sống xa gia đình hơn 30 năm và đã cùng với bà nội tui sống ở nhà người chú đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Còn tui là trưởng nam, cũng phải sống xa gia đình nay đã hơn 30 năm. Trái lại, tui sống với bà nội ở nhà người chú sau 30 tháng 4 năm 1975. Những ngày tháng hiu quạnh trong cái làng Bàu Hang heo hóc, lúc bấy giờ chỉ có một nhà hàng xóm duy nhất cách xa 500 thước. Mỗi khi màn đêm buông xuống, nội tui thắp nhang ngoài bàn thiên, rồi vội bước vào nhà và khóa chặt cửa lại.
          Có lẽ,vì cảnh đêm cô quạnh hay vì tức giận chú tui bỏ đất đai  mồ mả tổ tiên theo gia đình vợ lên Long Khánh làm ăn, cứ tối đến, bên bình trà nóng, điếu thuốc rê phì phà bà kể cho tui nghe những chuyện về ông chú. Thực sự, chú tui đã chết từ lúc lọt lòng mẹ, vì sanh khó, thiếu dưỡng khí từ trong bào thai. May nhờ, ông dượng ( em rễ của nội tui ) là bác sĩ, đã kiên trì cứu sống. Nên chú tui luôn xem ông dượng là người thứ hai sinh ra mình.
          Nội tui nói: sở thích của chú tui là đọc sách, mỗi ngày đọc một quyển sách, cứ hàng tháng nội tui phải trả tiền 30 quyển cho nhà sách. Sách báo của chú tui thì muôn vàn, đa phần sách về khảo cứu, lịch sử, triết học và tôn giáo. Mà đặc biệt nhiều sách bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, chữ Hán, chữ Nôm, ... nhìn sách thì thích lắm, nhưng tui đành chịu, mà chỉ nhận tập thơ do chú tui sáng tác. Về thể thao, lúc thời trai trẻ chú rất đam mê đá banh, từng khoác áo cầu thủ, đá hàng công cánh phải.
           Chẳng may, ông nội tui mất sớm, chú tui có cơ hội lêu lổng, đặc biệt cờ bạc nổi tiếng một thời ở Sài Gòn, nhiều người ở Chợ Lớn thường mướn chú tui đánh bài giùm. Những đêm đi đánh bài thuê, chú tui thường dàn chải mùng mền chiếu gối như có người ngủ. Đến lúc bị nội tui phát hiện, chú tui mới thuê thằng bạn ( Ông Đủ chồng cô giáo Hai) đến ngủ hờ. Có lần, không may nội tui biết được, bà  nhè nhẹ vén mùng lên, dùng roi đánh cho thằng ngủ hờ một trận đòn tơ bờ hoa lá. Vào những ngày Tết năm nào đó, mấy anh em tui ngồi đánh bài với nhau, chú rà đến, mượn bộ bài biểu diễn cho coi vài trò, rồi khuyên con cháu không nên cờ bạc. Bản thân chú đến năm 27 tuổi mới ý thức được và bỏ hẳn hoàn toàn. Chẳng những thế, chú  còn nghiêm cấm tụi tui đánh bài, cho dù là ngày Tết.
           Bà Chín, em chú bác với nội tui, ở Sài Gòn, thấy thằng cháu mình lêu lổng, thương quá bắt về nuôi cho ăn học đến thành tài. Từ cái thằng nửa bụi đời chú tui lấy được 2 bằng đại học. Đại học Vạn Hạnh, có lẽ do có duyên, nên chú tui mới được thiền sư Thích Nhất Hạnh giới thiệu vào học, để nghiên cứu và tìm hiểu về Phật giáo. Sau khi tốt nghiệp trường quốc gia âm nhạc, chú tui được học bổng du học Nhật Bản, nhưng vì lúc bấy giờ ba tui bị bịnh nặng, chú tui bèn bỏ chuyến du và cuối cùng về phủ tổng thống Ngô Đình Diệm làm nhạc trưởng đến hết thời đệ nhứt cộng hòa và sau đó về dạy nhạc cho lính của tướng Lê Minh Đảo đến 30 tháng 4 năm 1975.
         Là lính ngụy, đương nhiên chú tui nằm trong diện phải đi kinh tế mới, nên nội tui quyết định phần đất ông bà để lại cho người chú làm. Khốn khổ, nhạc sĩ cuốc đất phồng tay mà chẳng ra cơm gạo. Lúc bấy giờ, ai thuê gì chú tui cũng làm. Sau năm 75, phường Tân Tiến không tìm ra được một người có chí cốt cách mạng ở cái ấp Bàu Hang ( cũ ) để ra làm trưởng khóm (mới ), nên mới cho bác Sáu Phê ( bác họ của tui ) ra làm. Chẳng qua, trước đây  bác Sáu rất giỏi trốn lính, nhưng chữ nghĩa thì bác không rành, nên nhờ chú tui phụ công việc hành chánh của khóm trong những tháng đầu. Công việc khó khăn nhất là phường cử chú tui đi vận động, thu, hủy ấn phẩm văn hóa đồi trụy. Vì họ thừa biết chú tui có rất nhiều sách, và phải làm gương. Hình ảnh người mê sách, giờ phải đi đốt, thấy đau đớn thay. Chú tui thì cầm cái loa phóng thanh cùng mấy thanh niên trong xóm khởi hành từ nhà chú tui, rồi đi lòng vòng vận động trao nộp. Tất nhiên, chú tui phải lôi ra một đóng của mình trước. Về sau nầy, chú có nói cho tui biết: Tao chỉ nộp toàn sách tiếng Anh và không có gì đáng quý.
        Sau việc của phường khóm, chú tui dạy nhạc cho ban văn nghệ của nhà thương điên Biên Hòa, rồi bán luôn toàn bộ nhạc cụ cho bệnh viện, chừa đúng cây đờn Guitar, giải nghệ nghiệp cầm ca.Trong thời gian vừa cuốc đất vừa cầm đờn mà vẫn không đủ sống, chú tui quyết rời Biên Hòa đi Long Khánh trồng cà phê , hy vọng khấm khá hơn, bỏ hoang ngôi nhà trong làng Bàu Hang. Thấy xót và đồng thời sợ chú tui bán đất, nên nội tui kéo tui vô cùng ở với bà trông nôm nhà cửa và mồ mả ông bà. Được khoảng 2 năm, nội tui bị bịnh, không thể sống nơi hẽo lánh, nên bà phải trở về nhà ở Núi Đất.
            
        Ở Long Khánh, chú tui cuốc đất cũng để kiếm cơm thôi, chứ toàn bộ vườn tược nhà cửa đều của cha mẹ vợ. Chú phải trở về nơi chôn nhau cắt rún, cho dù có cơ cực mấy. Chuyển sang nghề bán cà rem cho con nít một thời gian cũng không xong, chú đổi sang nghề bán bánh mì dạo một thời và nhiều nghề khác nữa ... Trong chuyện làm ăn, tui nhớ nhất lời khuyên của chú: Tụi bây phải lựa cái nào khó nhất mà làm, đi thật xa khỏi Biên Hòa,  thì mới có ít người cạnh tranh.
             Vào năm 1979, lúc đám tang nội của tui, thầy Năm Đồ ( Thầy cúng chuyên nghiệp ở Biên Hòa) có nhã ý nhượng lại cái nghề nầy cho chú tui, để ông nghỉ già. Mặc dù không thích làm nghề thầy tụng, nhưng nhã ý của thầy Năm Đồ đã định hình ý tưởng xuất gia của chú tui từ dạo ấy. Đến khi con cái trưởng thành, chú tui tự lập một cái am và xuất gia. Còn cơ duyên nào khiến cho chú tui về trụ trì chùa Quang Long thì tui không rõ .
          Đời người ai cũng từng yêu đương và xây dựng hạnh phúc gia đình, chỉ khác nhau ở xuôi thuyền thuận bến hay gió to sóng lớn. Quả thật, chú thím tui đã phải gian nan lắm mới có thể vượt qua mọi thử thách để đến với nhau. Chú tui là nhạc sĩ, cao ráo, đẹp trai, trông rất là cư trí thức, chỉ mỗi cái tội là nghèo. Trong khi thím tui là cô giáo, cũng rất xinh đẹp. Hai người rất yêu thương nhau, nhưng gia đình thím nhất định không gã cho chú tui, để gã cho một ông sỹ quan nào đó, giàu có . Nhưng thím tui nhất quyết không đồng ý, vẫn một mực yêu thương chú tui. Đến khi thím tui có mang, mà gia đình thím vẫn cương quyết không gã cho chú tui và đưa thím tui về một bệnh viện ở Sài Gòn nơi mà cha của thím làm việc, để lo việc sanh nở và ém nhẹm sự việc. Đứa con gái vừa lọt lòng, mẹ đẻ chưa kịp thấy mặt đã đem đi cho người ta. Trớ trêu sao, có sự trùng hợp lạ kỳ, bà Chín ( em chú bác với nội tui ) là người đã từng nuôi dưỡng và lo cho chú tui ăn học thành tài, lại làm việc đúng ở cái bệnh viện nầy. Thành thử, khi biết việc bà luôn giữ tông tích đứa cháu đáng thương của mình.
            Sau khi sanh nở, trở về Biên Hòa thím tui vẫn một mực không chịu cưới ông sĩ quan kia và bỏ nhà theo chú tui luôn. Vì cái định kiến ngày xưa, nội tui cũng không dám công khai chứa chắp con gái của người ta, mà chỉ sai mấy người chú khác lo chỗ ăn chỗ ở cho thím. Chẳng bao lâu, thím lại có thai. Đến lúc nầy gia đình thím mới chịu đồng ý, nội tui đem trầu cau qua làm lễ cưới đơn sơ trong gia đình. Vậy người em gái họ của tui sanh năm 1962, giờ sống ở đâu, trong khi bà Chín đã mất từ lâu rồi. Khoảng năm 1985, thấy 2 thằng em họ con chú rất thích có chị em gái, thường sang nhà chơi với mấy chị và em gái của tui, nên tui đã nói cho tụi nó biết: là tụi nó có một người chị ruột ở Sài Gòn. Bà Chín còn sống, hãy mau về Sài Gòn tìm tông tích chị mình. Rồi 30 trôi qua, bao lần tui về Việt Nam mà không hề nghe nói gì người em gái họ đó nữa. Tụi nó tệ thật, hay là tụi nó sợ, gợi lại nỗi đau của cha mẹ mình? Hay sợ động chạm đến ông bà ngoại tụi nó?
             Mọi cái rồi sẽ qua, cái đến rồi sẽ đến, có vùng vẫy cho mấy cũng trở thành nắm tro tàn. Dẫu biết quy luật là vậy, sao tiếc thương vẫn tiếc thương. Kể từ đây tui sẽ mất đi người chú ruột duy nhất, mất đi người để tâm sự giữa đêm dài hiu quạnh, những khi trời oi bức khó ngủ.
             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét