Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015



               

                     Dã Ngoại Mỹ Quới
                Ngày xưa, thuở học trò của chúng tui tương đối thoải mái, không có áp lực học hành, không phải học thêm ngoài giờ như ngày nay. Nhưng vì, đa phần các bạn của tui đều là trò ngoan, chăm học, nên tui cảm thấy cái bầu không khí của lớp học C4 lúc nào cũng hơi trầm lặng. Đặc biệt đối với những bạn có quyết tâm vào đại học, luôn phải miệt mài chăm chỉ học hành, siêng năng ôn luyện, mà trong lòng lúc nào cũng nao náo, lo âu, cái lý do ngoại vi nào đó khiến cho ước mơ của mình không thành đạt. Ngược lại, những bạn không muốn học vì hoàn cảnh gia đình, nhưng vẫn phải buộc mình hằng ngày cắp sách đến trường, để nhồi nhét chữ nghĩa vào cái đầu ngang bướng không chịu hấp thụ, để làm vui lòng cha mẹ khổ công nuôi nắn. Trong khi, hầu hết các thầy cô giáo của chúng tui đều rất tận tụy giảng dạy, truyền đạt hết kiến thức đến người học trò chậm hiểu nhất, mà lại ít khi quan tâm đến những vấn đề bên ngoài xã hội, khiến cho cái bầu không khí lớp học lúc nào cũng trở nên nằng nặng. Mặc dù, thi thoảng có vài bạn thích bông đùa, muốn bức phá cái bầu không khí ấy, nhưng vẫn bất lực với hơn 50 cái đầu dày đặc chữ học với chữ hành, chữ chán với chữ nản.

             Chính vì thế, mà một ngày nọ, bạn Cao Thanh có nhã ý, mời tất cả các bạn trong lớp về quê mình một chuyến. Không ngần ngại, một quyết định chớp nhoáng, được hơn 20 bạn hưởng ứng và được thực hiện ngay ngày hôm sau. Tất cả tập trung trước cổng trường Ngô Quyền, rồi gom góp những đồng tiền nhỏ nhoi để mua bánh mì mang theo, rồi phân công một số bạn có xe tốt chân khỏe phải đèo những bạn không có xe đạp. Vào khoảng 9 giờ cuộc dã ngoại bắt đầu, đoàn xe đạp chầm chậm rời khỏi Biên Hòa, lúc vượt cầu Mới ai nấy chạy xiên qua xẹo lại, vì dốc cao, vì chở nặng, đồng thời cũng có gió ngược thổi mạnh, như tạt hết nỗi nhọc nhằng trong việc học tập về lại Biên Hòa, để chúng tui nhẹ chân đạp xe thật nhanh về hướng Mỹ Quới. Qua Hóa An, tới Tân Hạnh, trên con lộ trình nhỏ hẹp mà chúng tui đi, một bên có đoạn là dòng sông Đồng Nai uốn lượn, có đoạn là xóm làng hiền hòa, một bên là cánh đồng lúa phì nhiêu, rãi rác những con bò, con trâu đang gặm cỏ bên bờ ruộng, rồi những đàn chim tung cánh bay lên khi chúng tui đi tới gần, cộng thêm gió đồng bát ngát hiu hiu thổi, làm cho chúng tui có cảm giác rất thoải mái, như chim vừa mới được xổ lồng, như cá được về lại với nước.
              Vì Mỹ Quới là một cù lao nằm giữa sông Đồng Nai, chúng tui phải đi đò qua. Tại bến đò Lợi Hòa, lần lượt từng tóm sang, vì đò nhỏ chong chanh chỉ chở được một lúc 2 , 3 người cùng 2 ,3 xe đạp. Riêng tui, chưa bao giờ đi ghe, đi đò, nên lúc vừa bước xuống làm con đò chao đảo, tạo nên cái cảm giác ơn ớn mà vẫn phải nín thở qua sông. Khi tất cả sang hết qua cù lao, chúng tui lại tiếp tục đạp xe trên con đường nhỏ tráng xi-măng dọc theo bờ sông, có cây xanh rợp bóng mát. Sau khoảng 1 cây số, chúng tui chạy qua một chiếc cầu nhỏ không có thành chắn bắt ngang con suối nhỏ hủng sâu.Tại đây không may, chị Xuân Lan bị té xe và lọt xuống dưới, làm mấy bạn nữ hốt hoảng lo ó um xùm, rồi thì bạn Thanh Vân, bạn Thanh Trúc, bạn Khánh Hưng đỡ chị lên cùng chiếc xe đạp, để tiếp tục cuộc hành trình tới nhà bạn Thanh.
             Một căn nhà ngói hai mái, ba gian, một chái, theo kiểu miền quê Việt Nam, chung quanh vườn tượt vẫn còn thưa thớt cây ăn trái và dăm ba luốn khoai mì, khoai lang xen lẫn. Còn phía trước nhà là nhánh sông Đồng Nai, cây cối mọc um tùm nghiêng ngã ra ngoài sông, có cả cây lý cao chót vót. Ngày hôm ấy, ba của bạn Thanh đi ăn giỗ hay cúng đình gì đó, giao lại vườn không nhà trống cho đám " ma học trò" tha hồ quậy phá. Thoạt tiên, ai nấy còn ngần ngại, chỉ quan sát nhà cửa và khu vườn, chưa dám đụng chạm gì hết. Nhờ sự khuyến khích của bạn Thanh: Hái trái cây ăn thoải mái đi, nếu không bọn chăn bò bẻ phá hết cũng vậy! Thế là xông trận, ăn không bao nhiêu, nhưng phá thì nhiều. Xoài non chua lè chua lét, cắn một miếng ê ẩm cả hàm răng, trái cây non ăn miếng bỏ miếng quăng đầy trong sân vườn. Sau khi làm xơ xác mảnh vườn, các bạn hùa nhau tấn công ra đằng mé sông, ở đây cây cao nhưng lại nghiêng đỗ ra ngoài, chẳng thể nào vớ tới, miệng thì nuốt nước miếng, mắt thì nhìn ngẩn ngơ những trái mận, trái lý treo lơ lửng trên cành.
               Đứng trên chiếc cầu nhỏ bắt ra sông ( chiếc cầu người ta dùng để giặt đồ hay lấy nước) nhìn dòng nước trong xanh lửng lờ trôi, dường như, bạn Thanh Vân, bạn Phi Hùng mà thèm thuồng, muốn dìm mình theo dòng nước chảy, bởi không ai mang theo đồ tắm. Rồi đột nhiên, bạn Thanh Vân chạy ù vô nhà, lục kiếm lung tung và mang ra mấy cái quần đùi của bác trai, phân phát cho cho một vài bạn và cùng kéo nhau xuống sông tắm một chập đã đời. Mấy bạn đứng trên bờ coi bị bạn Thanh Vân tạt nước ướt. Bơi một hồi, ai nấy tay chân rã rời, bụng đói cồn cào, lại kéo nhau lên bờ vào nhà gặm bánh mì. Trong lúc mình mẩy còn ướt rượt, khúc bánh mì còn lở dở trên tay, thì bất chợt có bạn nào đó hô lên: Bác trai về  , làm cho cái đám con trai mặc quần thính chạy tán loạn, để tìm chỗ trốn.
              Trong khi những bạn nam mãi mê nô đùa, nghịch phá bên ngoài, thì những bạn nữ trong nhà nấu chè đậu đen và âm thầm chia nhau ăn . Nhưng không sao, đặc tính nói chung của con người mà, hễ nam thì ham chơi, hễ nữ thì ham ... Thôi, tui hổng dám nói đâu.
               Chiều dần xuống, gió thổi mạnh, nắng dịu lại, trời trở nên mát mẻ và dễ chịu hơn, chúng tui lại rủ nhau ra bờ sông. Thật bất ngờ, nước sông rút cạn nhách, nổi lên mấy cái cồn trắng xóa nằm giữa sông, mà hóa ra là những đàn vịt màu trắng, người ta thả ra cho ăn hến ở những đoạn sông cạn. Thế là, không tắm sông được nữa, thời gian thì cạn dần như mực nước sông, chúng tui phải chuẩn bị ra về.
              Trái cây trên cành rơi rụng tả tơi để lại khu vườn hoang tàn xơ xác, dòng nước trong xanh trôi đi bỏ lại dòng sông cạn bùn sình, niềm vui sướng buổi sớm vụt bay nhường lại buổi chiều buồn lưu luyến. Chúng tui ngậm ngùi rời Mỹ Quới, không hẹn ngày trở lại, lòng thì nặng trĩu, thân thể thì rã rời, cà rịch cà tang, nặng chân chúng tui đạp xe vượt chặng đường dài để trở về Biên Hòa.
             Về tới Tân Hạnh, vừa đúng lúc mặt trời lặng, trời tối sầm lại, chúng tui ghé vào nhà bạn Quân uống nước và nghỉ chân. Lúc nầy tiếng nô đùa, giễu cợt mất hẳn hoàn toàn, ai nấy mặt mũi bơ phờ. Nhìn góc học tập anh của Quân, vài quyển vở nằm ngay ngắn trên bàn, dựa bờ tường là một kệ sách đồ sộ, nhưng lại ngăn nắp, trông có vẻ trang nghiêm, làm tui chợt nhớ đến cái gánh học hành mà chúng tui vừa mới bỏ lại ở Biên Hòa hồi sáng nay.
              Chuyến dã ngoại Mỹ Quới năm xưa nay đã hóa thành câu chuyện cổ tích, câu chuyện thần thoại và sẽ phai mờ dần trong ký ức của các c(ự)u học sinh lớp C4 Ngô Quyền. Còn cái gánh học hành năm xưa nay cũng trở nên nhẹ bỗng, như cánh lông chim mịn màng dìu dịu trên bờ vai mềm mại của cái tuổi học trò. Không như cái gánh cơm áo gạo tiền vẫn hằng quằn nặng trên đôi vai già nua gầy guộc của tui cũng như của các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét