Nhà Thương
Điên Biên Hòa
Những
Con Cọp Huyền Thoại
Là người Biên Hòa, ai ai cũng từng nghe qua
câu chuyện dân gian " Ông cọp đón bà mụ đỡ đẻ ", riêng tui đã đọc được
câu chuyện nầy trong sách in đàng hoàng trước năm 1975. Chuyện kể rất xa xưa,
có thể còn xưa hơn " chuyện ngày xửa ngày xưa", lúc bấy giờ Biên Hòa
còn rất hoang sơ, rừng núi bạt ngàn, sông ngòi chằng chịt và có rất nhiều thú
dữ, đặc biệt là ông cọp, mệnh danh của chúa tể rừng xanh. Những người di dân
đầu tiên đến đây chỉ khai hoang và lập nghiệp ở những vùng ven sông Đồng Nai.
Cuộc sống yên lành của họ luôn bị đe dọa và rình rập, đêm đêm cọp về làng trộm trâu trộm bò là thường xảy ra, chuyện đi rừng cưa gỗ chặt củi bị cọp vồ là
chuyện bình thường. Không biết? có phải vì sợ cọp hay vì xem cọp như là thần linh mà nhiều đền miếu
ở Biên Hòa có hình tượng ông cọp và rất nhiều chuyện dân gian về Biên Hòa cũng đều
có vai phần của ông cọp.
Thuở xa xưa, ở Tam Hiệp có bà mụ đỡ đẻ nổi tiếng khắp vùng, ai ai cũng biết. Ca sinh nở
nào khó đến mấy, hễ mà có bàn tay bà thì mọi sự đều trở nên suôn sẻ hết. Vì vậy,
tiếng tăm của bà đã được người đời thêu dệt đến tai chúa tể rừng xanh. Một ngày
nọ, cọp bà oằn oại chuyển dạ, vì những chú cọp con tròn ngày đủ tháng mà chẳng
chịu chào đời. Vào khoảng nửa đêm, từ rừng sâu ( Nay là phi trường Biên Hòa và
huyện Vĩnh Cữu) cọp ông phi hỏa tốc về Tam Hiệp để rước bà mụ đỡ đẻ cho vợ.
Nghe tiếng gõ cửa, bà mụ nghĩ ngay có người đẻ khó đến nhờ bà giúp đỡ và vội
vàng mở cửa. Thật bất ngờ, một ông cọp to tướng hiện ngay trước mặt, làm bà
hoảng hốt đóng sập cửa lại và gõ nồi gõ chiêng, hô la lên: Ông cọp về làng ,
ông cọp về làng, .... Sau một hồi không động tịnh, bà bèn, len lén nhìn ra
ngoài qua khe cửa, thấy ông cọp vẫn còn
đi qua đảo lại, dường như đang sốt nóng điều gì và trông có vẻ rất là
hiền phục, làm cho bà bớt lo sợ và tự vấn: Phải chăng, ông cọp cần mình đỡ đẻ?
Không chút sợ sệt bà mở cửa ra tiếp đón. Ông cọp thì ngoan ngoãn nằm sạp xuống
để nai lưng cõng bà. Như linh cảm, bà hiểu được ý của ông cọp và mạnh dạn trèo
lên lưng, để ông cọp chở bà và lao nhanh vào khu rừng sâu thẩm. Trước khi trời
rạng sáng, ông cọp mới đưa bà trở về nhà và có những cử chỉ như khắc ghi công
ơn bà sâu sắc.
Con Cọp Lửa
Cư xá
Nhà Thương Điên Biên Hòa ( NTĐBH ) có 70 căn hộ với 70 gia đình cư ngụ. Cuộc sống
ở đây rất ư chan hòa, tình làng nghĩa xóm, ai nấy cũng đều quen biết nhau,
cùng làm chung ở NTĐBH, con nít thì học chung ở trường tiểu học Dưỡng Trí Viện, mọi sinh hoạt gần như theo khuôn nếp của NTĐBH từ thời cố bác sĩ giám đốc
Nguyễn Văn Hoài.
Thế
nhưng, vào một ngày rằm tháng Tám của thập niên 60 có một sự kiện làm chấn động
cả khu cư xá cũng như NTĐBH, gây nỗi kinh hoàng và sợ hãi trong một thời gian
dài cho nhiều người, nhất là đối với bọn con nít tụi tui, khi tâm hồn còn bé
bỏng đã bị tiêm nhiễm câu chuyện hãi hùng.
Bác Ba T
là nhân viên kế toán của NTĐBH, tính tình hiền lành, ít nói, có vợ và 5 con. Gia đình bác Ba T sống rất đầm thấm và hạnh phúc. Bác làm việc ở khu văn
phòng, hiếm khi tiếp xúc với bịnh nhân. Cớ sao, trong lúc mọi người nô nức chuẩn
bị rước đèn đón tết Trung Thu, thi đua nhau làm lồng đèn để tham gia giải thưởng của NTĐBH, bác Ba T lại dùng cái
rựa chém đứt đầu vợ trong lúc nằm ngủ say trên võng. Tin tức được lan truyền
thật nhanh, mọi người trong cư xá đều khóa chặt cửa lại, không ai dám ra
ngoài. NTĐBH phải cầu cứu ty cảnh sát Biên Hòa để khống chế bác Ba T, nhưng
không có viên cảnh sát nào tiếp cận được với bác Ba T . Cuối cùng, là nhờ ông
Năm Q ( Chú ruột của bác Ba T ) thuyết phục, nên bác Ba T mới chịu buông hung
khí và giao nộp thân mình cho cảnh sát bắt.
Rõ
ràng, bác Ba T có chứng bịnh tâm thần hoang tưởng từ lâu rồi, không ai hay biết, nên không kịp thời phát hiện và đã để xảy ra một thảm kịch bi thương. Bác Ba
T bị biệt giam 3 năm trời trong trại 16 ( Trại bịnh án ), bác Ba gái thân xác
không còn nguyên vẹn được chôn cất trong nghĩa trang của NTĐBH, 5 người con sớm
mồ côi mẹ phải sống với người cô ruột, để lại một bầu không khí kinh hồn bao
trùm cả khu cư xá một thời.
Kể từ đó
bác Ba T đã thay thế ông Kẹ để hù dọa đám con nít trong cư xá. Mỗi khi nghe đến
Bác Ba T, dù có đang mê chơi mấy, bọn tui đứa nào đứa nấy cũng đều phải bỏ cuộc
vui để chạy nhanh vào nhà và khóa cửa lại. Thời gian trôi dần , chuyện của bác
Ba T quên lãng dần, chúng tui thì cũng lớn dần và không còn sợ bác Ba T nữa.
Trại 16 thì không xa nghĩa trang, cứ chiều chiều bác Ba T vẫn thường ra viếng
mộ vợ mình, để thắp nhang hay để nói lời tạ tội. Trông bác Ba T đáng thương
hơn là đáng tội, bởi phải sống với sự giày vò, ray rứt suốt cả cuộc đời. Phải
chi, bác Ba là một người điên hẳn quên hết sự đời, thì đỡ biết mấy. Sau 3 năm
biệt giam, bác đã được tự do, nhưng không, bác tự tiếp tục giam mình bằng mức
án chung thân ở trại 16 , bác tự trừng phạt mình, một kẻ sát nhân, một phường
bội bạc. Có lần bác tâm sự với ba tui: Tui rất thương yêu vợ, tại sao tui phải
giết vợ, lý giải kiểu gì để cho ai tin, khi mình đã trở thành người điên. Rồi
bác nói: Không hiểu sao, lúc bấy giờ, tui nhìn thấy vợ tui hóa ra con Cọp Lửa, nên mới lấy cái rựa để chém nó chết, khi tỉnh ngộ thì ... Bác Ba T đã đem hết
cuộc đời còn lại, để giúp đỡ giám thị của trại, phục vụ bịnh nhân. Vì trại
16 là một trại rất nguy hiểm, bịnh nhân ở đây rất hung dữ và táo tợn, có thể
tấn công bất kỳ ai và bất cứ lúc nào. Bác tự nguyện vào trong trại thay thế
cho giám thị để phát thuốc cho bịnh nhân hoặc làm những việc gì cần thiết khi
mà giám thị e ngại.
Con Cọp Định Mệnh
Nói đến
cọp, tui cũng có một câu chuyện về cọp, cũng tương tự như chuyện " Con cọp
Lửa ". Vào khoảng cuối thập niên 60, lúc mà tui chưa cắp sách đến trường, có một người đàn ông nào đó trong cư xá NTĐBH, có lẽ tui không hoặc chưa quen biết, nên tui không nhớ là ai, có kể cho tui nghe về câu chuyện " con cọp đến thăm nhà tui ".
Vào một
buổi tối năm 1961, nhà tui còn ở căn thứ 5 dãy phố Tư cư xá NTĐBH . Như thường
lệ, tối tối má tui đưa võng ru người chị Năm của tui ngủ ở nhà trên ( Tức phòng
khách ), hôm đó có gì bất thường làm chị tui cứ khóc hoài mà chẳng chịu ngủ.
Vô tình, má tui nhìn thoáng qua khe cửa sổ lá sách, thấy thấp thoáng có bóng
dáng ai ngồi trên bộ ván ngựa ngoài hàng ba ( Hàng ba là khoảng trống trước căn
hộ, thay vì là hành lang kéo dài cả dãy phố hay dãy nhà) , khi nhìn kỹ lại, má
tui hết hồn nhận ra là một con cọp và nhẹ nhàng đi xuống nhà dưới nói nhỏ cho
ba tui biết. Ba tui liền xách một cái rựa, đi vòng qua sau hè để bọc ra phía
trước nhà, rồi chém con cọp một nhát. Bỗng nhiên, như ma như quỷ, con cọp biến
mất một cách kỳ lạ. Sáng hôm sau, ba má tui mới phát hiện ra, có vũng máu còn đọng
lại trên bộ ván ngựa. Sau khi kể xong câu chuyện, người đàn ông đó còn gằn
tui thêm một câu: Nếu không tin, ra nhà bà nội mầy ở chợ Phước Hải mà xem cái
bộ ván ngựa. Đối với con nít như tui lúc bấy giờ, được nghe câu chuyện ly kỳ
thích thú lắm, mà còn có chút ít tự hào về người cha dũng cảm của mình. Có lần
cùng đi đám giỗ với ba má tui ở nhà bà nội, sẳn tính tò mò tui xem lại bộ ván
ngựa có đúng như lời gã đàn ông nào đó nói không. Quả thật, khó mà tin được,
ở giữa bộ ván có màu nâu thẫm, hình dạng như vũng máu loang chảy, làm tăng
thêm mức khả tin về chuyện có con cọp đến thăm nhà tui là có thật. Nhưng khi lớn
khôn, tui còn không còn ngây ngô tin vào cái câu chuyện con cọp tầm phào ngày
xửa ngày xưa nữa. Tui nghi rằng, cái gã đàn ông đó, hoặc là dựa chuyện của
bác Ba T , hoặc là dựa vào vết loang trên bộ ván ngựa, bịa ra câu chuyện
"con cọp đến thăm nhà tui ".
Tưởng
như, chuyện những con cọp huyền thoại đã đi vào dĩ vãng, đã chìm sâu vào cõi
lãng quên, không còn ai nhắc đến nữa. Đột nhiên, vào năm 1980 người chị kế của
tui chết vì bị tai nạn, lúc tham gia lao động XHCN do NTĐBH tổ chức ở Cẩm Đường.
Người chị tuổi Dần, cũng là con cọp, là người chị gần gũi với tui nhất, cùng
tui 2 năm học ở trường Ngô Quyền. Trong lúc bị hụt hẫng, vì vừa mất đi một người
chị, tui thường suy nghĩ viển vông, lại tin là, con người có số phận, có định
mệnh, để cốt sao làm dịu bớt đi nỗi đau buồn. Rồi bỗng nhiên, tui liên tưởng tới
chuyện con cọp ngày xưa, có gì đó trùng hợp kỳ lạ. Nhà tui có 2 người tuổi Dần
duy nhất, người chị sinh năm 1962 và người em trai sinh năm 1974 , cả hai đều
bị chết yểu. Kể từ đó, tui xem con cọp đến thăm nhà tui là Con Cọp Định Mệnh.
Tui đã giấu câu chuyện nầy gần 50 năm trời, mãi cho đến năm vừa rồi khi về
thăm gia đình, tui đem ra kể cho cho cả nhà nghe, thì bị ba tui bát ngay thẳng
thừng: Làm gì có chuyện đó. Nhưng chị Hai của tui xác nhận bộ ván ngựa có vết
loang như vũng máu.Vậy gã đàn ông kể chuyện là ai ? Có phải là bác Ba T ? Khi
mắc chứng bịnh tâm thần hoang tưởng, ảo giác của bác đã mách cho câu chuyện
" Con cọp đến thăm nhà tui "
Tuy những con cọp là ảo, là huyền thoại, nhưng những nhân vật trong
chuyện là có thật, chuyện Bà Mụ Đỡ Đẻ ở Tam Hiệp là có thật, chuyện Con Cọp Lửa
là có thật , nó phần nào phản ánh về một hệ lụy của luật nhân quả. Biên Hòa ngày
nay không còn rừng nữa, đất đâu cho cọp sống. Đó là chưa nói đến, cọp bị lột
da, rút móng, bẻ nanh và nấu cao để phục vụ nhu cầu quái đản của những kẻ lắm
tiền nhiều của, nhưng thiếu hẳn tình yêu thiên nhiên, dư thừa nhẫn tâm đối với
động vật hoang dã. Khi không còn cọp nữa, thì làm sao có những câu chuyện huyền
thoại về con cọp để kể lại cho mấy đứa con nít nghe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét