Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015



Nhà Thương Điên Biên Hòa
                      30 tháng Tư 1975
              Cuộc chiến kết thúc nay đã gần tròn 40 năm, 2 thế hệ mới trưởng thành, bộ mặt đất nước đã thay đổi nhiều, cựu thù năm xưa nay cũng sắp trở thành người bạn hợp tác toàn diện, những dấu tích chiến tranh hầu hết chỉ còn nằm lại trong kho bảo tàng. Quả thật, chiến tranh không khoan nhượng cho bất kỳ người nào, vùng miền nào của đất nước, Nhà Thương Điên Biên Hòa ( NTĐBH ) cũng không ngoại lệ, cũng từng tắm trận mưa pháo đại bát kinh hoàng vào những ngày cuối tháng Tư. Cái thằng nhóc con lúc bấy giờ chỉ mới 11 tuổi, không sợ bom đạn hiểm nguy, xuôi ngược khắp nơi trong NTĐBH, làm như là một phóng viên chiến trường thứ thiệt, ghi lại những hình ảnh lịch sử vào trong trí nhớ, để rồi ngày hôm nay, lạch cạch  tiếng bàn phím phát lại những gì đã ghi nhận được, may thay có thể xoa dịu vết thương lòng của những người có liên quan với cuộc chiến và đồng thời khơi lại dòng ký ức của những ai đã từng gắn bó với NTĐBH vào những ngày cuối tháng Tư.

            Càng về cuối cuộc chiến, bạn học của tui mỗi lúc càng vắng dần, sân trường tiểu học cộng đồng Dưỡng Trí Viện càng thiếu vắng cảnh nô đùa của đàn trẻ trong giờ chơi, cái cột cờ giữa sân trường như đứng lặng yên, lá cờ ủ rủ đợi ngày tàn và cứ thế mỗi ngày lại thiếu dần, lại vắng dần, đến khi không còn bao nhiêu người đi học nữa, buộc nhà trường phải đóng cửa để chờ ngày hòa bình lập lại. Khu cư xá NTĐBH chẳng khác gì, cũng vắng tanh vắng teo, kẻ đi người ở, kẻ ra đi không lời từ biệt, người ở lại thầm lặng ẩn thân. Đối với bọn con nít chúng tui, không gì vui sướng bằng được nghỉ Hè sớm hơn một tháng và không phải thi cử gì hết ( Viết tới đây tui mới chợt nhớ ra, rằng mình chưa tốt nghiệp tiểu học ). Hằng ngày chúng tui chứng kiến cảnh những người lính thất trận, bỏ hàng ngũ, vứt quân trang quân cụ dọc hai bên đường quốc lộ, một chiếc xe tăng M113 cắm đầu xuống ruộng bà Ba Giàu bên vệ đường trước NTĐBH, mà bên trên còn nguyên khẩu đại liên 12,7 ly.
           Mặc dù tình hình nghiêm trọng như thế, nhưng NTĐBH lúc nào cũng là thiên đường đối với bọn con nít chúng tui, vì có nhiều cây trái, chim chóc, ếch nhái và cua cá. Khoảng 3 giờ chiều ngày 28 tháng Tư, Hải em họ của tui  ( Lớn hơn tui 4 tuổi, có biệt danh Hải Lé) rũ tui đi bắn chim, hai anh em hai cây giàn ná dạo quanh khắp NTĐBH mà không thấy con chim nào hết, có lẽ tiếng súng, tiếng bom đạn làm chim sợ hãi và trốn mất hết.Thật ra, chỉ là trò nghịch phá, cả đời tui chưa bắn trúng một con chim nào hết. Là trai tráng mà, tui cũng muốn ra oai, trổ tài thiện xạ, xách giàn ná đi lòng vòng, bắn hết đạn rồi quay về nhà là chuyện thường xảy ra. Trên đường về đến trại 6 nhìn thấy cây xoài cổ, rất cao và to khoảng hơn 2 người ôm, có nhiều trái xanh xum xuê, treo lủng lẳng tuốt trên cao. Hải nói: Thôi, không có chim thì bắn xoài. Chưa kịp ngắm nghía gì hết, thì đã nghe tiếng khai pháo, một viên đạn đại bát bay cái vèo ngang đầu và một tiếng nổ đinh tai nhức óc sau đó. Không ai bảo ai, chúng tui hai thằng lao ào xuống cái mương và nằm sát rạt bên dưới. Sau một hồi không động tịnh gì nữa, chúng tui dự định chạy nhanh về nhà, nhưng không ngờ trận mưa pháo bắt đầu ập tới dồn dập, đất, đá, cát, bụi bay đầy trên đầu. Ban đầu tiếng nổ như còn xa xa, rồi dần dần tiến lại gần chỗ chúng tui, tui có cảm giác như có vài trái đạn nổ ngay bên cạnh mình, mặt đất rung động, gây sức ép tức ngực và ù cả hai lỗ tai. Rồi cứ thế mà dồn dập nổ liên hồi kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau đó tiếng nổ lại xa dần, mà tiếng đạn bay xé gió trên bầu trời vẫn cứ vù vù, cứ một tiếng vù vù là một tiếng nổ oành oành đan xen nhau. Cho đến khi trời chạng vạng tối thì tiếng pháo mới ngưng, hai anh em tui co giò chạy ngay về nhà, tới bức tường chia cắt giữa bệnh viện và cư xá, Hải nhường tui leo trước. Vì bức tường trơn trui không có chỗ bám, bên trên thì giăng hàng kẽm gai nghiêng úp về phía cư xá, chúng tui mượn cây trụ đèn cạnh bờ tường, có từng lóng khuyết như trái khế để leo lên rồi trèo qua bờ tường. Mỗi khi leo được bên trên, thì lại có tiếng pháo bay vèo trên đầu, rồi lại nhảy xuống, qua năm lần bảy lượt như vậy chúng tui mới trèo qua được bức tường. Về đến nhà tui chui ngay xuống hầm, nhìn quanh chị em trong nhà đầy đủ, ngoại trừ chị Hai tui ở nhà người chú với bà nội, má tui thì trực trong bệnh viện và lúc nầy lòng tui cảm thấy nhẹ nhõm, vì ba tui đi làm chưa về. Coi như, tui thoát một trận đòn , chứ không vì thoát trận mưa pháo. Cũng như tui, ba tui mắc trận mưa pháo không về được, nên về đến nhà hơi muộn. Chẳng bao lâu, mưa pháo lại tiếp tục, ở trong hầm kín mít nghe tiếng nổ trấn động càng mạnh, cát bụi ở đâu không biết cứ rơi đầy đầu, cả nhà tui ai nấy dùng hai bàn tay che trên đầu và cúi mặt xuống. Chị Ba tui cứ khóc lóc um xùm và còn nói: "Ba ơi! Chắc là nhà mình chết hết", trong khi cả đàn em thì ngồi im thinh thích. Nhiều tiếng nổ lớn quá, xen lẫn với tiếng đồ đạc rơi rớt lẻng kẻng, tui cứ tưởng nhà mình đã xập. Đâu khoảng 20 giờ thì trận mưa pháo mới chấm dứt, cả nhà tui không ai dám rời khỏi hầm. Im lặng một hồi, rồi có tiếng gọi từ phía đằng trước: Kỳ ơi! Nhà thằng Bốn bị trúng pháo, nổ banh nát hầm, tao tìm không thấy ai hết, giọng của ông Tư Biên. Nghe tới đây cả nhà tui muốn chết điếng, sự lo âu hòa lẫn với lòng hoài nghi làm tui cảm thấy sợ sệt, chả lẽ cả nhà chú Bốn chết hết? ý nghĩ băng quơ trong đầu tui. Ngay lập tức ba tui trèo lên khỏi hầm và căn dặn chúng tui nhiều lần: không ai được rời khỏi hầm. Khoảng 5 phút sau ba tui quay về nhà và nhẹ giọng nói: Nhà chú Bốn tất cả đều bình yên, kể cả con chó cũng không bị thương, hầm chỉ nát phía bên trên và cả nhà chú đã đi di tản.
     Đêm 28 mấy chị em của tui phải ngủ ngồi dưới căn hầm chật hẹp và nóng bức, thật ra, có ai ngủ được trong tình cảnh nầy, cặp mắt chỉ chập chờn mong cho trời mau sáng. Sáng 29 thức dậy, ra ngoài chúng tui mới biết được cả cư xá đã di tản hết lên trại Dũng và trại Phượng, vì hai trại nầy vừa được quân y viện trao trả lại cho NTĐBH, rất kiên cố, tường dày, 2 trần bê-tông, có thể che chắn được đạn đại bát. Chị Ba tui cứ than phiền riết: tại sao nhà mình ở lại? Buộc lòng ba tui cho di tản lên trại Phượng, nơi mà má tui đang trực.
         Trận pháo kích tối 28 đã làm banh tành nhà bếp chú Bốn của tui, sập nát mái ngói của 3 căn giữa của dãy phố Nhì, dãy phố Nhì thứ hai thì trúng nhà chú Tống làm tan quát mái ngói. Nói chung, cứ xen kẽ nhau, 2 dãy phố Nhất không sao, 2 dãy phố Nhì trúng pháo, dãy phố Ba không hề hấng, dãy phố Tư dính đạn và dãy phố chót còn nguyên vẹn. Những làn pháo như thế kéo từ trên bệnh viện xẻ dọc xuống cư xá với cự ly khoảng 50 mét một quả. May mắn, không có thương vong nào hết. Ngoại trừ, bà Ba Trí ( nhà gần cư xá ) tối ra đóng cổng rào, bị miễng pháo chém đứt một chân và chết sau đó do mất nhiều máu.
       Sáng 29 những người lớn trong cư xá quy tựu lại, bàn tán xôn xao: làm thế nào để bảo toàn tính mạng và đời sống của hơn 20 gia đình bám trụ cùng với hơn ngàn bịnh nhân? Việc đầu tiên là phá kho gạo, lấy gạo nấu ăn cho bệnh nhân và bà con trong xóm, việc nầy do bác Sáu Thời phụ trách, vì bác là tài xế có thể vận chuyển gạo đến nơi cần thiết. Hầu hết những nhà trong cư xá có nuôi heo, đều giết mổ heo hết, để lấy thịt phân chia cho bà con trong những ngày khói lửa không chợ búa. Một vài gia đình thiếu chất đốt phải dùng thuốc nổ mìn Claymor để nấu nướng, loại thuốc nổ không khói không mùi vị.
         Khi được tập trung đông ở trại Dũng và trại Phượng, bọn con nít có cơ hội gần gũi và nghịch phá nhiều hơn. Minh, em họ của tui ( Lớn hơn tui 2 tuổi, em của Hải, có biệt danh Minh ngọng ) rũ tui trèo lên La -Phông của trại Phượng, chúng tui phát hiện ra 1 khẩu súng máy R16 với vài băng đạn, sợ quá chúng tui nhảy xuống ngay lập tức, vì không biết có ai ẩn náo trên đó hay không. Sau năm 75 chúng tui có quay lại, nhưng khẩu súng đã biến mất. Không còn gì chơi nữa, tui và Minh bèn đi vòng quanh khắp bệnh viện để xem lại, tối qua có những nơi nào bị trúng pháo, bị tàn phá ra sao. Khi đến nhà Đèn chúng tui gặp ông trưởng ấp Sinh cùng với mấy người nhân dân tự vệ, tay cầm mấy khẩu súng Carbin, loại súng chỉ bắn lẻ từng viên. Hình như trưởng ấp Sinh đang bố trí những người lính của mình làm việc gì đó. Phải nể phục ông ta, muốn làm tròn trách nhiệm của mình cho đến tận ngày cuối cùng với cây súng quèn, vì NTĐBH nằm trên địa phận ấp Bàu Hang.
        Rồi có tin: tù chính trị ở trung tâm cải huấn Tân Hiệp (TTCHTH) gần NTĐBH được thả, tụi tui lật đật chạy nhanh ra trước cổng bệnh viện để coi. Một đoàn người ăn mặc gần như đồng phục một màu đen, xanh hay nâu sậm, đi ngay hàng thẳng lối về hướng Hố Nai, trong đó có người cầm súng giơ lên cao, một tóm khác thì hô vang khẩu hiệu: Nghìn năm một thuở , nghìn năm một thuở! Đoàn người cứ tiếp nối đi qua và xa dần tầm mắt của chúng tui. Bổng nhiên thấy nhiều người kéo nhau qua trung tâm cải huấn Tân Hiệp, tui với Minh cũng chạy theo, khi đến nơi mới biết, người ta đi hôi của. Trước cổng TTCHTH là một đống giầy dép khổng lồ, do mấy người tù bỏ lại. Bước vào trong là khu văn phòng làm việc của nhân viên cảnh sát, đi qua một hàng rào là khu làm việc của tù nhân, có xưởng may, xưởng thêu và nhiều xưởng khác nữa mà tụi tui không đến được. Vượt thêm một vòng rào nữa phía bên phải trong cùng là nhà bếp, chúng tui nhìn thấy những chảo cơm khổng lồ còn nóng hổi cùng với nhiều thức ăn đã nấu chín thơm phưng phức mà những người tù chưa kịp ăn.Vì thấy không còn gì hấp dẫn nữa, chúng tui quay ra ngoài trước dãy nhà văn phòng, bẻ mấy trái xoài xanh cắn ăn và ra về.
         Xế chiều 29, trong lúc mọi người chuẩn bị ăn tối, thì có 2 chiếc phản lực cơ gầm thét trên bầu trời, có người nào đó tinh ý cho là 2 chiếc MIG của VC. Quả thật không sai, liền sau đó những tiếng nổ vang trời, những cánh cửa sổ va vô đập vào ành ạch, mọi người chạy hết vô nhà, ai nấy đều lo âu: tối qua mới mưa pháo, giờ mưa bom hay sao? Rồi lại có người trấn an: Không sao đâu, máy bay chỉ bỏ bom phá đường băng phi trường Biên Hòa thôi.Thế là đêm đó tui được giấc ngủ ngon, có lẽ do cái mệt của đêm trước, phần thì được nằm thẳng cẳng ngay chưn đàng hoàng.
          Sáng 30 tui cưỡi chiếc xe đi một vòng xa hơn, bọc phía sau NTĐBH, đi ngang qua làng Bàu Hang, khi tới miễu Bà tui rất ngạc nhiên, vì thấy dân làng vẫn tổ chức cúng miễu như bình thường, vẫn đông người, vẫn ăn nhậu ì xèo.
       Nói chung, buổi sáng 30 rất ư là im ấn, ngoại trừ vài tiếng súng lẻ tẻ. Mặc dù vậy, ba tui lúc nào cũng nghe Radio để theo dõi tình hình chiến sự, đến khoảng trưa trưa ba tui mừng rỡ hô lên: Có hòa bình rồi, hết chiến tranh rồi, sau khi nghe tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh Sài Gòn. Không riêng gì ba tui, mọi người đều mừng rỡ không che giấu được, hiện rõ ngay trên nét mặt, như vừa trút hết nỗi lo lắng, nỗi sợ hãi khôn cùng.
         Và chẳng bao lâu sau, ngoài đường quốc lộ có 2 người đàn ông đi chiếc xe máy loại phân khối lớn, người ngồi phía sau tay cầm cờ mật trận giải phóng miền Nam nửa đỏ nửa xanh sao vàng và tay cầm khẩu AK, chạy rất nhanh về hướng trung tâm Biên Hòa, có thể họ đi cắm cờ ở đâu đó, vì khi quay lại không còn lá cờ nữa.
          Lúc nầy, tất cả mọi người vẫn còn ở lại, để chờ xem có mệnh lệnh gì không. Trong lúc chờ đợi, mọi người ra phía trước trại đứng và nhìn ra đường lộ, vì biết trước sẽ có đoàn quân giải phóng tiến vào Biên Hòa. Khoảng 3, 4 giờ chiều thì bắt đầu có mấy chú bộ đội ló dạng trước khoảng trống ngoài lộ mà chúng tui có thể quan sát được, tay cầm súng chĩa tứ tung, mắt láo lia láo lịa, đi đứng thậm thụt, rồi không hiểu sao lại quay ngược lại. Có lẽ, họ sợ tàn binh còn rãi rác đâu đó. Một lát sau lại xuất hiện, cũng với cái kiểu đi thậm thụt, khi tóm đầu đi qua, tóm sau đi tới có vẻ hân hoan không sợ sệt, vì có người đi đầu che chắn. Tiếp theo là xe tăng T54, xe Molotova có kéo súng phòng không và cùng đông đảo bộ đội đi bao chung quanh.
          Bỗng nhiên có ai nói: Ra chào đón họ đi! Ban đầu, vài ba người, dần dần đi ra gần hết, tui cũng chạy theo, mặc dù có lời ngăn cản của má tui. Người thì giơ quạt, kẻ thì giơ tay vẫy vẫy chào chào. Được vài phút, mấy chiếc tăng T54 quay ngang nồng đại bát bắn chĩa vào mấy tòa nhà cao, tầng trên cùng nhà ông Ba Đời đối diện với NTĐBH bị bắn thủng mấy lỗ chàm vàm, tòa nhà bác sỹ giám đốc NTĐBH dính một quả trên tầng mái, làm anh Tửng ( Biệt danh Xe Ngựa) bị thương, máu me đầy người. Có lẽ, anh Tửng muốn lên cao để ngắm nhìn toàn cảnh đoàn quân giải phóng cho rõ. Lúc nầy, chúng tui mạnh ai nấy chạy, người thì chạy lom khom, kẻ vừa chạy vừa bò. Niềm hân hoan chào đón bỗng chốc tan biến hết, ai về nhà nấy, mặc kệ đoàn quân đi về đâu.
Trên đường về nhà, thấy xe cấp cứu chở anh Tửng bị thương dừng trước cổng, bác tài xế thì lăn xăn, vì cổng khóa chặt, không biết ai giữ chìa khóa.
          Đoàn quân thì cứ đi hoài không hết cho tới tận đêm khuya, xen lẫn nhau trong đoàn người lính bộ binh là xe tăng T54, hoặc xe Molotova có kéo khẩu cao xạ, hoặc xe Molotova chở đầy những bộ đội mệt nhừ vì đường xá xa xôi. Không bỏ được tính hám vui ham chơi, ngay tối 30 chúng tui đã kéo nhau ra đường, nhìn thấy có 1 chiếc Molotova chốt lại cùng với hơn mười người lính, họ nấu ăn và nghỉ ngơi ngay trên vệ đường.
           Sau 30 tháng Tư bầu không khí trong cư xá như nặng trịch, ít ai quan hệ với ai, bọn con nít tụi tui như bị mất tự do, không được phép đi đâu hết, thiên đường NTĐBH thì cấm cửa trẻ em. Biên Hòa mất điện hoàn toàn, NTĐBH tuy có 2 máy phát điện dự phòng, nhưng lưới điện hư hỏng trầm trọng, phải mất gần tháng trời mới khôi phục lại được. Mỗi khi màn đêm buông xuống, như là lúc có cái bóng đen đè nặng, ngộp ngạt , gây cho tui cái cảm giác bức rức khó chịu.Vốn là một đứa trẻ không sợ hiểm nguy , yêu tự do, thích la cà, tui phải tự giam hãm mình khi trời đêm tối.
                                                              Còn tiếp.
       
        
       
       


              
           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét