Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015



Nhà Thương Điên Biên Hòa
               Người Mỹ Thiện Nguyện

             Hôm nay 11 tháng 7 năm 2015, đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, làm tui nhớ đến một người Mỹ cách đây hơn 40 năm đã nguyện gắn đời mình vào cái Nhà Thương Điên Biên Hòa (NTĐBH).Trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam có rất nhiều nhà thiện nguyện đến từ những nước Tây Phương, phần đông họ là những  y-, bác-sĩ, người thì đi theo những hiệp hội từ thiện, người thì đi với tư cách cá nhân, đa phần họ  làm việc trong các bệnh viện, các cô nhi viện và  các trường học khuyết tật. Lạ thay, có một người Mỹ cũng muốn làm từ thiện, nhưng lại không có nghề y, mà là một kỹ sư nông nghiệp. May mà, NTĐBH có nông trại Nam, nông trại Nữ và trại chăn nuôi, nơi mà thích hợp với ông nhất, để ông đem hết cuộc đời cống hiến cho người điên Việt Nam. Thấy ai cũng gọi ông là ông Bon (phát âm theo tiếng Việt), thực sự tui cũng không biết tên chính xác của ông ta là gì, là Paul hay Bond? Thôi thì, cứ gọi như tên Việt là Bon cho thân thiện. Dáng người to cao, không mập, ít chải chuốt, biết tiếng Việt vừa đủ xài. Có lẽ ông đến NTĐBH vào những năm 60, vì từ rất nhỏ tui đã nhìn thấy ông ta rồi.

            Tui cũng không rõ, ông Bon làm việc ở NTĐBH dưới sự quản lý của ai? Ban giám đốc bệnh viện? Hay hội từ thiện nào đó? Hay hoàn toàn độc lập? Hằng ngày, cứ đúng giờ hành chánh, không cần tiếng chuông tiếng kẻng, tự động  ông ra đồng cùng với những người bịnh nhân lao tác. Ông làm việc rất siêng năng, không ngại nắng mưa, dơ bẩn, lúc nào cũng chân lấm tay bùn, có khi phải ở lại một mình cho tới  tối, để hoàn thành công việc còn dở dang. Hôm thì cày, bửa thì cuốc, ngày nọ thì gieo, ngày kìa thì cấy, ông miệt mài quanh năm suốt tháng mà công việc đồng án chẳng bao giờ hết. Ông có một chiếc máy xới, để xới đất, khi nào cày thì mới gắn lưỡi cày vào. Có lần, tui nhìn thấy chiếc máy xới đang cày bị lún sình, ông xà quần mãi không lên, tiến không được mà lui cũng không xong, mặc dù chiếc máy xới có bánh nâng chống lún.
         Cánh đồng rộng hơn 2 Hecta với đàn bò gần 20 con, một mình ông và vài bịnh nhân lao tác đảm trách. Phía dưới ruộng sâu gần làng Bàu Hang thì trồng lúa, ruộng phía sau khu cư xá thì trồng rau muống và trên gò cao gần nhà bếp thì trồng rau cải các loại.Vậy trong lúc làm việc chung với bịnh điên, ông có chuyện hay đùa giỡn với họ?Chứ từ xa, tui thấy ông lúc nào cũng cặm cụi.
          Tới giờ tui cũng chưa biết ông Bon sống ở đâu? Trong bệnh viện hay nhà riêng bên ngoài. Nhưng, cứ mỗi buổi sáng ông xuống cư xá mua xôi gói lá chuối,  ngồi nhón gót ăn hết gói xôi tại chỗ, rồi mới đi về.
          Mỗi khi thấy ông Bon xuất hiện dưới cư xá, là đám con nít chạy bu vào, để ông gồng hai tay lên cho mấy đứa đu toòng teng hai bên. Có khi nặng quá, ông  chịu không nổi, thả xuống, rồi vì bị năn nỉ quá lại tiếp tục gồng lên để chìu lòng đám con nít nghịch ngợm. À! Ông Bon có chiếc xe Jeep lùn màu xanh. Thỉnh thoảng, vào khoảng xế chiều, ông đánh xe xuống cư xá, chở đầy con nít chạy lòng vòng bệnh viện hóng mát. Đôi khi ông cũng thích chơi độc, chờ lúc trời chạng vạng rẽ ra hướng nghĩa địa, giả bộ hư xe, dừng lại, làm cho đám con nít hốt hoảng, la ó và ôm chặc người ông.
           Chuyện vui đùa với ông Bon còn rất nhiều, tui không nhớ hết. Thật sự ông Bon rất nghèo, vì làm việc thiện nguyện, lương không bao nhiêu, nên ít khi có quà cáp cho con nít ngoài những trò đùa trong những lúc rảnh rang.
          Tui còn nhớ, khoảng trưa ngày 29 tháng 4 năm 1975, người anh của ông Bon lái chiếc xe hơi màu trắng từ Sài Gòn đến NTĐBH, dự định đón ông Bon về Sài Gòn để rời khỏi Việt Nam. Nhưng ông Bon đã quyết định ở lại, để tiếp tục phục vụ người điên Việt Nam, cho dù chính trường Việt Nam có thay đổi theo kiểu gì.
           Sau năm 75 tui chỉ nhìn thấy ông Bon có một lần duy nhất, mà cũng là lần cuối cùng. Ông mang một đôi dép râu tổ bố, không hiểu sao cắc kè đổi màu nhanh thế, mà hình dạng vẫn là cắc kè, vì lúc bấy giờ mọi thứ liên quan tới Mỹ đều xấu xa, đều thù địch hết ( Ngoại trừ hàng hóa của Mỹ ), huống chi ông Bon là một người Mỹ Trắng chính cống, cho nên từ một nhà thiện nguyện bổng nhiên trở thành CIA là điều dễ hiểu. Thế là, khoảng giữa tháng 5 năm 75 , ông Bon bị bắt và bị biệt giam ở  B5.  Khoảng 6 tháng sau, ông mất vì bị bịnh tiêu chảy. Thân xác ông được an táng ở đâu tui không rõ, nhưng chắc chắn linh hồn ông được tự do bay bổng, để trở về làm việc với những người bịnh điên lao tác trong NTĐBH, để nô đùa với đám con nít  nghịch ngợm trong cư xá.
             Thời gian trôi qua nhanh quá, 40 năm người Mỹ ra đi, 20 năm người Mỹ trở lại, cánh đồng ruộng NTĐBH không còn nữa, nhường chỗ cho những căn nhà được xây san xát. Mấy đứa con nít trong cư xá ngày xưa nay cũng đã già, không biết có còn lưu giữ hình ảnh ông Bon năm nảo năm nào trong trí nhớ của mình?
            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét