Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

     
25 Năm Ngày Thống Nhất Nước Đức.

           Một phần tư thế kỷ đã qua , miền Đông nước Đức không còn như cái nước Đông Đức ngày xưa nữa , vì cơ sở hạ tầng được dựng xây mới lại hoàn toàn , mà còn khang sang hơn cả miền Tây , mức thu nhập thì đang ngấp nghé với miền Tây. Thật ra , ngày 3 tháng 10 chỉ là ngày mở đầu cho hàng loạt cuộc xuống đường của người dân Đông Đức , để rồi dẫn đến sự sụp đổ bức tường Bá Linh cũng như cái chính quyền dựng lên nó , quy nước Đức về một mối , tan rã khối XHCN và thống nhất Châu Âu.

          Vậy , cái ngày thống nhất nước Đức nầy có ý nghĩa gì đối với người Việt sinh sống tại Âu Châu. Có thể nói , đó là một khúc quanh , làm thay đổi vận mệnh , làm biến chuyển cuộc đời của hàng vạn người Việt , đặc biệt người Việt tại Đông Âu. Hầu hết người Việt ở đây sinh sống , làm việc và học tập đều có một thời hạn nhất định , rồi sẽ phải quay về nước . Bức tường Bá Linh sụp đổ là cơ hội tốt , để họ đánh cược vận mệnh , bước thêm một bước xa hơn vào cái tương lai mù mịt , nhưng lại đầy hứa hẹn ở những đất nước đang dãy chết. Đa phần người Việt ở Đông Âu thời bấy giờ còn rất trẻ , trong độ tuổi từ 20 đến 30 , tràn đầy sức sống , nên không kém phần thích mạo hiểm . Trong khi đó , tình hình chính trị ở những nước Đông Âu trong năm 1990 biến động rất mạnh , không ai có thể đoán trước được những gì sẽ tiếp tục xảy ra , thúc dục họ phải có những lựa chọn nhanh chóng và dứt khoát , vì thế , làm cho họ càng hoang mang trước quyết định : Đi ; Ở ; Về . Đi : có nghĩa là trốn sang Tây Đức ; Ở: là ở lại Đông Âu và Về: là về Việt Nam . Không có một thống kê nào về số người Đi , Ở và Về , nhưng riêng đội của tui tỷ lệ Đi / Ở / Về đều bằng nhau , tức 1/3 quyết định về Việt Nam , 1/3 ở lại Đông Đức và 1/3 trốn sang Tây Đức ( Trong đó có tui ).

        Tuy rằng , mỗi người mỗi lý do riêng , mỗi hoàng cảnh riêng , nhưng cùng nhau tiến về phía Tây. Vào cuối năm 1989 , đầu 1990 là đỉnh cao của phong trào Tây Tiến , ban đầu chỉ có người Việt ở Đông Đức trốn sang Tây Đức hoặc Tây Bá Linh , nhưng làn sóng cứ tăng dần và lôi kéo thêm đông đảo người Việt từ Tiệp Khắc , Ba Lan , Hungari , Bungari và những nước thuộc Liên Xô cũ.
Thời gian đầu , chuyện trốn đi Tây Đức ai nấy đều giấu kín , mỗi khi qua cái cuối tuần không thấy trở lại đi làm , là biết , người đó đã qua được phía bên kia. Chính vì thế , thiếu thông tin cho những người khác muốn đi . Vợ chồng tui ( Lúc bấy giờ chưa là vợ chồng ) cùng với vợ chồng người bạn bàn bạc , tìm cách , dò mối để trốn sang Tây Đức. Chúng tui đến một đội người Việt quen biết ở một tỉnh giáp với Tây Đức , ở đây đa phần là nữ , toàn là người gốc Biên Hòa , Sài Gòn . Có lẽ , họ mang sẳn dòng máu thích vượt biên , khi chúng tui đến , thì ngỡ ngàng biết họ trốn sang Tây Đức gần hết . Sau khi bắt được mối , chúng tui quay về nhà để chuẩn bị cho một chuyến đi , mà phải hát câu : " Biết bao giờ trở về Việt Nam "
Một tuần sau , chúng tui dẫn theo hai bà xã , đến một nơi khác , cũng là chỗ bạn bè thân quen , để được một ông mật vụ Đông Đức chở đi . Trước khi chia tay , chúng tui được bạn bè chiêu đãi rất nồng hậu , đến nỗi quên cả mang theo tiền D-Mark ( Tiền Tây Đức ) . Khi trời vừa chạng vạng , ông người Đức đến đón và bảo : Phải đi ngay , xe chỉ chở được bốn người , tính luôn tài xế . Thế là , bạn tui tự nguyện ở lại đi sau , giao trọng trách cho tui dắt hai bà đi trước. Đến gần biên giới Plauen-Hof , ông Đức hướng dẫn chúng tui cách băng rừng , bọc phía sau hai trạm kiểm soát của Đông và Tây Đức để vượt biên giới . Còn ông ta thì tiếp tục lái xe trên đường xa lộ qua biên giới và sẽ chờ chúng tui ở dọc đường bên phần đất Tây Đức. Vì lúc bấy giờ là mùa Đông , trời lại tối , nơi rừng núi hiểm trở , tui phải xách nách hai bà băng rừng , lội tuyết , bang cỏ cây bụi rậm để đến được bức màn sắt . Biên giới Đông-Tây là một hàng rào lưới sắt khít rịt , cao khoảng 4 mét , tất nhiên không thể trèo qua được . Chúng tui tiếp tục lần mò dọc theo hàng rào để đến đoạn rào bị người dân Đông Đức đã đạp đỗ trước đó . Ba đôi bàn chân dẫm lên bức màn sắt để tiến sâu vào vùng đất hứa và sau khoảng độ 200 mét chúng tui cắt rừng đi ra , nhưng không ngờ , chưa qua được trạm kiểm soát của Tây Đức , lại quay trở vào rừng và đi tiếp thêm một đoạn nữa . Qua được trạm kiểm soát , chúng tui đi dọc theo xa lộ và nhìn thấy một chiếc xe mở đèn cảnh báo . Tui đoán ngay , ông người Đức mở đèn cảnh báo giả bộ xe hư để chờ chúng tui . Chúng tui lên xe tiếp tục cuộc hành trình , đến nơi khoảng 1 giờ 30 sáng , rồi mới ngỡ ngàng biết , đây là một trại tỵ nạn tạm thời cho người từ Đông Đức sang , mới vừa đóng cửa trước đó vài ngày. Xe hơi thì không còn đủ xăng để đi tiếp , chỉ đủ cho ông Đức quay về nhà. Chúng tui đành ra ga xe lửa , để đi đến một địa chỉ khác . Tại nhà ga , chúng tui phát hiện ra , đã quên mang theo tiền. Thế là , không còn cách nào hơn phải trình diện tại trụ sở công an thành phố Kronach gần đó và bị công an ở đây gạt , thay vì chở đến chỗ để nghỉ ngơi , chở thẳng ra biên giới giao nạp cho công an cửa khẩu , rồi gọi điện cho công an Đông Đức sang đón về . Sau khoảng 15 phút tra khảo , công an Đông Đức buộc chúng tui mua vé xe lửa để đi về nhà . Lên tàu mệt mỏi , vì chuyến đi bất thành , nhưng chúng tui vẫn không bỏ cuộc , đổi tàu quay về chỗ khởi hành , để thực hiện một chuyến khác. Lần nầy nhờ một ông Đức khác , có xe lớn hơn , chở được tất cả 2 cặp chúng tui . Cũng chạng vạng tối mới bắt đầu khởi hành , đến gần biên giới , trên xa lộ xe kẹt cứng , xếp hàng hằng mấy cây số . Ông tài xế nói : Đông xe quá , họ không kiểm soát đâu , cứ ngồi yên trên xe để ổng chở qua cửa khẩu . Đúng thật , họ quắc cho xe qua ào ào , chỉ chặn đúng chiếc xe của mình , thế là 3 cô cậu đêm qua được trao trả ở cửa khẩu kia , nay thêm một cậu bị túm ở cửa khẩu nầy , rồi được đưa tất cả về trụ sở công an thành phố Plauen . Coi như , thêm một lần thất bại. Tất nhiên chúng tui không nản , sẽ tìm đường đi khác . May mắn , gặp được một cô người Việt , biết ý định của chúng tui , nên mách cho biết : Đi qua Tây Bá Linh rất dễ . Cô ta cũng từ Tây Bá Linh trở về.
       Trên tàu đi về nhà , chúng tui có gặp một nhóm thanh niên trẻ gốc Bình Dương mới sang Đức , đang theo học khóa tiếng Đức . Chúng tui cười thầm , giờ nầy còn qua đây làm gì nữa , trong khi chúng tui thì đang tìm đường trốn khỏi chỗ nầy . Vài ngày sau , chúng tui nhận được một thùng hàng với nhiều thức ăn Việt Nam , trong đó có tôm khô , khô mực , bún miến ,...của những chàng trai trẻ chân ướt chân ráo gốc Bình Dương gởi tặng. Vậy mà , sau ít hôm gặp lại nhau tại Tây Bá Linh mới biết đó chính là những cao thủ vượt biên , đáng tôn làm sư phụ.
      Sau hai lần vượt thẳng qua Tây Đức bị thất bại , chúng tui chuyển hướng sang Tây Bá Linh. Như hẹn hò trước , chúng tui gặp nhau ở nhà ga xe lửa làng , để đón tàu đi Bá Linh . Đến nơi thì trời đã sụp tối , chúng tui lần mò ra cổng thành Brandenburg , ngó trước nhìn sau , phát hiện ra chị Nga , bà chị ở cùng phòng với bà xã ( Lớn hơn tui 1 giáp , người Sài Gòn ) , đã âm thầm đi theo tụi tui để trốn sang Tây Đức. Đã tới đây rồi , không ai còn ngần ngại , mà phải giấu ý định của mình.
         Trước khi nói về vượt tường , tui xin nói sơ qua về bức tường Bá Linh. Được xây dựng vào năm 1961 , dài 155 Km , cao 3,6 mét , bao vòng khép kín Tây Bá Linh . Đoạn cắt đôi thành phố dài 43,7Km . Song song với bức tường là một vòng rào sắt cao khoảng 3 mét , tạo nên khoảng trống ở giữa , được gọi là vành đai chết , chỗ hẹp nhất 70 mét , chỗ rộng nhất 500 mét , có đèn chiếu sáng và 302 tháp canh. Vậy , chuyện vượt tường là điều không thể . Thế nhưng ,người ta không thể xây bức tường bao kín luôn cái cổng thành Brandenburg , vì đây là biểu tượng của Bá Linh , biểu tượng của nước Đức . Thành thử, đoạn nầy , bức tường cùng hàng rào sắt phải nhập lại thành một bức tường bê-tông dày khoảng 3 mét , cao 3 mét , chạy vòng phía sau cổng Brandenburg . Đây chính là điểm yếu , dễ vượt biên , vì không có vành đai chết. Mặt khác , khách du lịch có thể đến đây để chiêm ngưỡng cổng thành.
         Đang sớ rớ , chưa biết cách đi qua bên kia kiểu gì , thì có cô người Việt đến hỏi : Mấy anh chị muốn qua bên kia à ? Rồi nhiệt tình chỉ dẫn. Chúng tui chia làm hai nhóm , tui cùng bà xã và chị Nga đi trước . Nhân lúc những viên công an biên giới hút thuốc , trò chuyện , chúng tui chạy thật nhanh và chui vô những lỗ tường ( Do người dân Đông Đức đục phá ) để vào bên trong lòng tường . Tường ở đây là một khối bê-tông dày đặc , được bọc bên ngoài bởi một lớp vỏ bê tông khác dày khoảng 30 phân , tạo nên một khe trống bên trong cũng khoảng 30 phân . Trong lòng tường thì tối thui , chật hẹp . Chị Nga , người to cao , mập mạp , di chuyển xuyên tường không hề đơn giản , chúng tui phải trèo lên khe phía bên trên để leo qua khe phía bên kia , rồi lần mò tìm chỗ có ánh sánh , nơi mà người ta đã đục lỗ sẳn , để chui ra .
        Vừa đặt chân qua phần đất Tây Bá Linh , gặp một chiếc Taxi , không chần chừ chúng tui lên xe đi ngay về nhà một người không quen mà chị Nga có địa chỉ . Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau , thì đôi bạn của tui cũng tới nơi. Được anh chị chủ nhà tiếp đón niềm nở , giữa đêm khuya khoắc , mỗi người một tô phở với đầy đủ gia vị và rau giá , một tô phở đúng nghĩa mà mấy năm liền sống ở Đông Đức chúng tui chưa hề trông thấy.
         Tô phở ân tình của người không biết cho người không quen , đã buộc sợi dây cảm tình giữa chúng tui nay đã gần 26 năm . Cùng người Việt , kẻ Đông người Tây gặp nhau trên đất khách , nhờ duyên " Sụp đỗ bức tường ". Giờ đây , cặp bạn của tui ở tận đầu Bắc , chúng tui ở cuối Nam , còn chị Nga lưu lạc nơi nào ? và hàng vạn người Việt khác , có lẽ đang bùi ngùi , ngẫm chuyện vượt tường phần tư thế kỷ trước.

                   Hof , Ngày 03 tháng 10 năm 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét