Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

                          Nhà Thương Điên Biên Hòa
             Kẻ Cướp Hay Một Nhân Cách Lớn

        Anh Ba , một người anh hàng xóm , lớn hơn tui non một giáp. Thuở nhỏ , tui quá đam mê vẽ và nắn tượng , hễ biết những người anh đang học hoặc đã từng học trường trung học kỹ thuật Biên Hòa , là tui mon men đến , nhờ chỉ giáo cho vài chiêu hoặc xin xỏ cọ , màu hay dụng cụ điêu khắc gì đó.Một lần đến nhà anh Ba chơi , nhìn thấy bức tượng bán thân không đầu và bức tượng treo tường gương mặt người phụ nữ nhìn ngang , tóc bới ngang vai , khiến tui thần tượng anh quá , nhưng ngại sự nghiêm nghị của anh , khiến cho tui nhiều lần có cơ hội , nhưng không dám ngỏ lời. Cuối cùng , tui quay về anh Út Ba Vú , ở sát nhà dễ tiếp cận hơn.

         Là một người lính trẻ , được trời phú cho dáng dóc cao ráo , đẹp trai , hiền lành , tử tế , anh Ba quả là mẫu người lý tưởng cho những bà chị trong xóm thời bấy giờ. Chị Hai , một bà chị ở dãy phố trên , là một tiểu thư con nhà không giàu mà cũng chẳng nghèo , đắm đuối yêu anh chàng đẹp trai hiền lành . Là cô con gái duy nhất trong gia đình đông con , nên chị được mẹ hết lòng chìu chuộng , ngay cả trong chuyện yêu đương. Dường như có một sự an bài , tình yêu giữa hai người vội vàng chớm nở, như hoa mau hé nhụy để khoe sắc đưa hương ,trói buộc con bướm vàng ở lại khu vườn kiểng. Thế rồi , hôn lễ được tiến hành một cách chóng vánh , làm ngỡ ngàng biết bao bà chị hằng mến mộ anh.Có lẽ , anh Ba là người rộng lượng , nên cũng không quá khắc khe trong chuyện chọn người yêu , cũng như xây dựng gia đình.
        Mới hơn hai mươi tuổi đầu , chưa có sự nghiệp gì hết , anh phải sống bên nhà vợ , vì chị Hai không chịu ở nhà chồng. Cuộc tình đến nhanh , sớm có con là chuyện bình thường . Cho dù , đã sinh được một đứa con trai đầu lòng anh chị vẫn sống chung trong căn nhà cha mẹ vợ chật hẹp . Thứ nhất , điều kiện kinh tế không cho phép một mái ấm riêng ; thứ nhì , chị tiểu thư , mặc dù đã có chồng nhưng vẫn chưa muốn rời khỏi vòng tay mẹ.
       Tổ ấm gia đình chưa kịp xây xong , thì thời thế đã đổi thay , anh lính trẻ vừa bị thất trận lại vừa thất nghiệp , bao nhiêu khó khăn dồn dập đến , anh ít khi ở bên vợ. Vào khoảng năm 1977 , nhờ có tay nghề nặn tượng , điêu khắc học ở trường trung học kỹ thuật Biên Hòa , anh đã xin được vào nhà máy gốm Hóa An làm việc . Trong cái thời ngành xuất khẩu gốm mỹ nghệ chưa khởi sắc , nên đồng lương của anh không đủ uống cà phê ăn sáng , chỉ trông vào mười mấy cân gạo mốc lây lất qua ngày.
      Bỗng nhiên , anh Ba trở thành tên cướp , cả xóm không tin chuyện đó có thật , vì cách đó 2 , 3 năm , những ngày cuối tháng Tư năm 1975 , anh có đi ngân hàng lãnh tiền về để phát lương cho lính , một số tiền tương đối lớn . Vào những ngày tàn tháng Tư , lính tráng tan rã hàng ngũ , việc phát lương không thực hiện được , anh phải đành giữ lại số tiền đó , sau 30 tháng Tư đem giao nộp lại cho ngân hàng . Anh không tham ,bởi số tiền đó là xương, là máu của đồng đội mình . Cớ sao anh đi ăn cướp ? Động lực nào ? Có nhiều lời đồn đoán không hay , là anh bị áp lực của vợ . Riêng tui , không thiện cảm mấy với chị tiểu thư nầy , nhưng không thể suy đoán bừa bãi , suy cho cùng vẫn là áp lực trách nhiệm của người chồng , người cha , làm cho anh vấp ngã.
      Sự việc như vầy , một người chị vừa mới về làm dâu trong xóm , chưa kịp thuộc mặt , biết tên từng người . Vào một buổi tối khoảng 23 giờ , sau khi tan ca chiều về , vừa bước xuống xe đưa rước công nhân , chị bị một người đàn ông câu cổ , lôi vào trường học gần đó , lột hết vòng vàng vừa mới đám cưới , chỉ sót lại chiếc bông tai vướng trên bờ tóc rối.
      Ngay sáng hôm sau , anh Ba đến nhà nạn nhân khai nhận, mình là kẻ cướp đêm qua và xin hứa bồi hoàn tất cả. Gia đình nạn nhân chẳng những không oán trách anh , trái lại thông cảm anh hơn , hiểu biết hoàn cảnh anh hơn, không hề thưa kiện anh và chẳng hề nói cho ai biết. Nhưng chính lương tâm của anh mới không tha thứ cho anh , buộc anh phải tự trình báo sự vụ tại trụ sở công an phường Tân Tiến , rồi anh bị tống giam .
       Do anh đã thành thật khai báo , công an không cần điều tra gì nhiều , chỉ phẩm định lại những điều anh khai với nạn nhân. Nên phiên tòa xét xử không lâu sau đó được tiến hành tại rạp hát Biên Hùng ( Lúc bấy giờ mới đổi tên thành Nam Hà ). Trước tòa anh không hề phản kháng , chấp nhận mọi bản án , mặc kệ cho các quan tha hồ bào chữa hay luận tội. Phán quyết cuối cùng là 3 năm 6 tháng tù giam , tui và những người trong xóm cảm thấy xót xa , vì bản án quá nặng đối với một người tốt , hiền lành , chưa hề có tiền án .Đặc biệt , gia đình nạn nhận rất ái náy, khó chịu , vì họ không hề muốn kiện anh , chẳng hề muốn có bản án khắc nghiệt đó . Trước mặt bao nhiêu người theo dõi xử án , người ta đã xếp đặt nạn nhân đứng về phía nguyên đơn , để cho đầy đủ thủ tục .Thời gian kháng án 2 tuần trôi qua , anh Ba không động tịnh gì hết , đến hạn thi hành án người ta đưa anh lên trại giam K4 Xuân Lộc .Hình như , anh đã chấp nhận bản án trước khi ra đầu thú.
       Tưởng rằng , 3 năm 6 tháng tù rồi sẽ trôi qua , nhưng không , quan tòa lương tâm của anh còn khắc khe hơn , còn hà hắc hơn cả quan tòa ngoài đời , buộc anh , tự nguyện xin ở lại nhà tù trọn đời. Trong khi những tù nhân tội phạm hình sự khác kiên nhẫn , xé lịch , chờ ngày mãn hạn , để quay về đường cũ ,tiếp tục chém , giết , cướp , giựt ,... thì có một tù nhân âm thầm tự gia hạn mức án dài dài cho chính mình. Mặc dù , vẫn còn sống trong tù , nhưng với mọi người , tư cách của anh là một người công nhân làm việc trong tù , chỉ có anh mới không thừa nhận tư cách ấy. Làm việc trong tù đương nhiên có lương , nhưng tất nhiên lương thấp hơn rất nhiều so với ngoài xã hội . Ăn cơm tù , ở nhà tù , mặc quần áo tù, để dành giụm tiền lương tù nhỏ nhoi anh gởi về Biên Hòa nuôi thằng trai cưng độc nhất.
      Về sau trại giam K4 không cho anh ở trong tù nữa , buộc anh ra ngoài tìm nhà ở . Lúc còn ở Việt Nam , có dịp lên K4 chơi , tui thường tìm kiếm anh ,tiếc là , chưa lần nào gặp được . Dường như , anh muốn xa lánh mọi người thân quen . Những lần về Việt Nam tui cũng thường hỏi thăm anh , chỉ nghe nói , anh trở về nhà thương điên Biên Hòa một lần duy nhất , là để cưới vợ cho thằng con trai.
      Nay cũng đã khá lâu rồi , tui không còn tin tức gì về anh Ba nữa , tuổi anh đã quá tuổi về hưu , có còn sống ở Xuân Lộc hay trại tù K4 ? Bản thân tui , chưa bao giờ nghĩ anh là một phạm nhân , cũng như trong thâm tâm của tất cả bà con trong cư xá nhà thương điên Biên Hòa vẫn luôn xem anh là người tử tế , hiền hòa , như chưa hề có câu chuyện ngã ngựa của gần 40 năm về trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét